Với tay chạm vào tiên cảnh


Du lịch Quảng Bình – Được hình thành từ hàng chục triệu năm trước, trong lòng hệ thống núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng là hàng trăm hang động lớn nhỏ, ẩn chứa những vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa. Đối với các nhà khoa học, Phong Nha – Kẻ Bàng được mệnh danh là “vương quốc hang động” với những giá trị về địa chất, địa mạo… Còn với nhiều du khách, trong đó có tôi, Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi hội tụ những vẻ đẹp của chốn bồng lai, mà chỉ cần một cái với tay, bạn sẽ dễ dàng chạm vào tiên cảnh…

Sông ngầm Phong Nha – xứ sở diệu kỳ…

Quảng Bình

Kayak Hang Tối

Khi tham gia chuyến thám hiểu dòng sông ngầm bí ẩn trong lòng động Phong Nha với chiều dài 1.500m, tôi cảm thấy mình đã may mắn hơn cô bạn Alice ở xứ sở diệu kỳ trong câu chuyện cổ tích ngày xưa rất nhiều. Sau gần 20 năm đón hàng triệu lượt khách tham quan, tháng tư này, những du khách đầu tiên sẽ tiếp tục được khám phá vẻ đẹp huyền bí của dòng sông ngầm chạy dài trong lòng động Phong Nha. Đấy thực sự là một hành trình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên với những trải nghiệm mới mẻ…

Chèo thuyền kayak trên sông

Nếu 500 mét đầu tiên trong lòng động lấp lánh ánh sáng kỳ ảo và vẫn lao xao những âm thanh của đời thường vọng vào, thì trên 1.000m tiếp theo, Phong Nha trở nên hoang sơ và kỳ vĩ, bóng tối và ánh sáng đan xen, tiếng mái chèo khua nước hòa trong tiếng đập cánh của chim én, của hàng đàn dơi, tiếng tí tách kiên nhẫn của những giọt nước chảy qua hàng chục triệu năm… chào đón du khách.

Đoàn chúng tôi ngồi trên thuyền độc mộc (và cả thuyền kayak) chầm chậm trôi trên sông, nơi bóng tối trở nên nhạt nhòa bởi ánh sáng từ những chiếc đèn pin đội đầu và tiến sâu vào lòng núi. Lòng hang hẹp dần và trần hang như lùi lại tít trên cao. Sông chảy dích dắc, những tay chèo thuyền cự phách và du khách ngẩn ngơ trước nhiều lối rẽ bất ngờ. Với tay qua mạn thuyền, tôi gần như chạm vào những chùm thạch nhũ rủ xuống từ trần hang. Và lao xao chim én, ràn rạt đàn dơi vỗ cánh, dạn dĩ bay qua, chạm vào tóc, vào vai những người khách lạ đang thám hiểm xứ sở diệu kỳ…

Và không chỉ có thạch nhũ, sông sâu, chim én và bóng tối, gió trong lòng động Phong Nha cũng hào phóng vô cùng. Lặng lẽ và bất ngờ, gió ào ạt thổi qua đoạn eo thắt của dòng sông ngầm và đến giờ vẫn là điều bí ẩn khi ở nơi này bóng tối vẫn mặc tình bao phủ. Một chút rồi thôi, khi thuyền trôi qua nơi này, dòng sông lại trở lại nét tĩnh lặng vốn có. Thong dong uốn lượn, thắt mở bất ngờ, khi du khách đủ phân vân để tự hỏi mình rằng dòng sông sẽ tiếp tục đưa ta đến chốn nào, thì bất chợt dòng sông biến mất…
Nơi dòng sông ngầm biến mất giờ mở ra một không gian rộng lớn, nơi này được gọi là động Huyền Không. Tôi chưa hiểu hết nguồn gốc của tên gọi này, nhưng cảm giác vô ưu là có thật, khi tôi đứng ở đây, trên “viên cuội” khổng lồ có thể chứa được cả hàng trăm người và chạm tay vào những cô tiên xinh tươi hay ông phật có nụ cười rất đỗi hiền từ.

Có người bảo tôi, rằng nếu trong lòng đang ấp ủ những điều ước, ngay bây giờ, bạn hãy gửi lời nguyện cầu của mình vào trong gió, trong nước, trong sự bí ẩn và quyến rũ của động Huyền Không, khi bạn chạm tay vào hình ông bụt. Và không riêng chỉ mình tôi, những người đồng hành dũng cảm, say mê khám phá dòng sông ngầm bí ẩn trong lòng động Phong Nha, cũng đang lặng lẽ gửi những điều ước của mình ở chốn Huyền Không…

Sau hai mươi năm đón khách, tour du lịch mạo hiểm khám phá chiều sâu bí ẩn 1.500m động Phong Nha đã mở ra một trang mới để du khách tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt tác từ quá trình kiến tạo địa chất khu vực núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng. Dòng sông ngầm sẽ đưa bạn đến nơi giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hư và thực, đón nhận những ngọn gió kỳ lạ như thổi đến từ thiên đường. Bạn tôi, người đã có hàng ngàn lần dẫn du khách vào tham quan động Phong Nha, quen từng khúc quanh, ngả rẽ, nhưng lần đầu tiên chèo thuyền độc mộc tiến sâu vào động Phong Nha đã để lại trong lòng bạn những cảm xúc kỳ lạ…

Du lịch Quảng Bình

Hang én

Hang Én
Tháng 3-2011, nhiếp ảnh gia Cashen Peter đã khiến cho thế giới sững sờ khi bức ảnh ông chụp cảnh Hang Én được công bố trên Tạp chí Goegraphic, tạp chí nổi tiếng của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ. Ngay sau đó, bức ảnh được bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất trong tháng 3-2011. Cùng với Hang Én là Rào Thương xanh trong và quyến rũ, niềm tự hào của cư dân thung lũng bản Đoòng, tour du lịch khám phá thiên nhiên Rào Thương – Hang Én được hình thành…

Từ Trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái Phong Nha, theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây, chúng tôi đi xuyên qua những bãi bồi ngô đang mùa mẩy hạt và ngút mắt rừng nguyên sinh trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng rồi dừng chân ở km 35. Từ đây cả đoàn cắt rừng đi bộ trên 9km để đến với Hang Én, một trong những hang động kỳ vỹ trong hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ ở khu vực núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng.

Lộng lẫy hang Én

Khi trèo đèo lội suối, lúc men theo những lối mòn thoắt ẩn thoắt hiện trong khu rừng rậm rạp, dưới chân là thảm lá mục ken dày tỏa hương ngai ngái, những chiếc máy ảnh của các thành viên trong đoàn khảo sát gần như hoạt động hết công suất. Những sinh vật lạ lẫm, những thân cây cao vút, vươn thẳng lên trời xanh đón nắng, sự tĩnh lặng của núi rừng… tất thảy được ghi vào ống kính. Không gian tinh khiết và trong trẻo, những tia nắng dù tinh nghịch, tò mò đến mấy cũng chỉ có thể chạm đến vòm cây cao vút mà thôi. Sau gần ba giờ đồng hồ băng rừng, vượt qua quãng đường dài khoảng 4km, chúng tôi dừng chân ở bản Đoòng…

Bản Đoòng là một bản nhỏ của người Vân Kiều sống gần như biệt lập trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Với 6 hộ dân và 21 nhân khẩu, cộng đồng dân cư bản Đoòng thanh thản và vô ưu sống cuộc sống tự cung tự cấp như đồng bào mình hàng trăm năm trước. Ông Nguyễn Sỹ Tòa, 64 tuổi, người được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, ân cần mời chúng tôi vào nhà nghỉ chân uống nước. Thuần phác và hồn nhiên, cộng đồng người dân tộc Vân Kiều ở bản Đoòng như một nốt nhạc lạ trong hành trình khám phá thiên nhiên kỳ thú của chúng tôi…Tạm biệt bản Đoòng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đoạn đường từ đây không còn nhiều đèo dốc. Thay vào đó là bạt ngàn chuối rừng che kín cả lối đi. Chúng tôi nghỉ chân ăn trưa ở một bãi bồi được hình thành từ dòng chảy của Rào Thương trong bản hòa âm rộn rã của núi rừng. Xôi và gà luộc, những đặc sản của núi rừng Phong Nha giờ bắt đầu phát huy tác dụng. Tin tôi đi, sau khi thưởng thức bữa trưa đặc biệt này, dù đi đâu về đâu, bạn cũng sẽ thấy nhớ chặng đường đến Rào Thương – Hang Én. Và tất nhiên là nhớ cả những món ăn bình thường nhưng mang dư vị rất đặc biệt của Phong Nha – Kẻ Bàng…
Du lịch Quảng Bình
… dịu mát Rào Thương

Từ đây, chúng tôi men theo Rào Thương và đến gần Hang Én hơn. Rào Thương như nàng thiếu nữ tinh nghịch mải miết chơi vơi trốn tìm. Lúc uốn lượn quanh co, khi mất hút giữa hai vách núi, lúc lại bất ngờ trải rộng mênh mông đến vài trăm thước rồi lại nhanh chóng lẩn khuất giữa những tán rừng rậm rạp. Đi qua những vách đá dựng đứng, những khoảnh rừng thưa còn in dấu chân muông thú và rồi Hang Én bất ngờ hiện ra sau một góc khuất…

Có tài liệu mô tả Hang Én có chiều dài 1.645m, cao 120, chiều rộng nhiều đoạn đạt trên 170m. Nhưng chỉ bằng những con số, bạn sẽ khó để hình dung vẻ đẹp mê hồn của nơi này. Từ cửa hang vào sâu khoảng chừng 1 km, một hố sụt trầm tích đã tạo ra giếng trời, mang nắng trời chiếu rọi xuống dòng suối màu ngọc bích, vẽ thành một bức tranh tráng lệ. Lội qua dòng suối và leo lên các mỏm thạch nhũ, chúng tôi có mặt tại nơi nhiếp ảnh gia Cashen Peter đã chọn góc nhìn và bấm máy để cho ra đời bức ảnh thiên nhiên hoàn mỹ của Hang Én.
Du lịch Quảng Bình
Với chiều cao 83m, rộng 35m, cửa ra phía tây nam của Hang Én đã tạo nên sự tương phản ấn tượng giữa sự bé nhỏ của con người trước thiên nhiên hùng vĩ… Và theo các chuyên gia địa mạo, Hang Én, bên cạnh vẻ đẹp mê hồn của mình, còn mang trọng trách thoát lũ cho thung lũng bản Đoòng. Nếu không có Hang Én như một nút mở khổng lồ, khi mùa lũ về, nước lũ từ thượng nguồn sẽ biến bản Đoòng thành một đầm lầy ngập nước… Hang Én còn là nơi tộc người Arem lựa chọn để sinh sống từ hàng ngàn năm trước. Hàng năm vào mùa én làm tổ, người Arem thường trèo lên vách đá và trần hang để bắt chim én làm thực phẩm. Bây giờ người Arem đã chuyển về định cư gần đường 20 Quyết Thắng, nhưng vào rằm tháng năm âm lịch, họ lại trở về nơi này mở hội ăn én và tạ ơn thần rừng, thần núi…

Rào Thương – Hang Én như một bản hợp ca trữ tình. Chặng cuối của cuộc hành trình, chúng tôi thả lưới ở Rào Thương bắt cá và nướng trên bếp lửa hồng. Rau tàu bay được hái dọc đường giờ thành món canh mát dạ. Bữa cơm tối giữa rừng sau hành trình khám phá thiên nhiên Rào Thương – Hang Én trở thành một kỷ niệm đẹp và khó quên trong lòng chúng tôi.

Và bạn, còn chần chừ chi nữa mà không bắt đầu khởi hành đến với Hang Én – Rào Thương?

Theo Báo Quảng Bình

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour