Mùa xuân trên đỉnh Thần Đinh


Trong cái se lạnh của những ngày chớm xuân, cùng với các du khách, chúng tôi đã vượt qua trên 1.200 bậc đá để đến với chùa Kim Phong trên đỉnh Thần Đinh. Dù ngôi chùa này chỉ còn là phế tích, thì hành trình lên núi Thần Đinh là một trải nghiệm tuyệt vời khi vừa được ngắm cảnh quan hùng vĩ, vừa được tận mắt chứng kiến những huyền thoại về ngọn núi này…

Tất tần tật kinh nghiệm Du lịch Quảng Bình

Núi thần Đinh Quảng Bình thu hút du khách tham quan
Núi thần Đinh Quảng Bình thu hút du khách tham quan

Nằm trong vùng đất thiêng mà cư dân địa phương từng gọi “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”, Thần Đinh cao trên 400m, thu hút hàng ngàn du khách thập phương mỗi độ xuân về. Từ thành phố Đồng Hới đi theo đường Hồ Chí Minh hướng bắc – nam, qua cầu Long Đại vài km, ngược lên phía tây, đến địa phận xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), du khách bắt đầu hành trình chinh phục ngọn núi thiêng.
đỉnh thần đinh

Khởi đầu hành trình, thực hiện lời nhắn nhủ của Ban Quản lý di tích về việc trùng tu tôn tạo chủa Kim Phong (còn gọi là chùa Non), mỗi du khách đều mang theo những viên gạch lên đỉnh núi. Đường lên núi là những bậc đá xanh vững chãi chạy giữa bạt ngàn hoa dại và cỏ cây. Không gian thoáng mùi ẩm mục của lá rụng, của hoa rừng và man mác cái lạnh buổi chớm xuân. Khoảng gần trăm bậc đá lại có điểm dừng chân khá rộng rãi.

Từ đây, du khách có thể thả tầm mắt nhìn về chân núi, nơi những thửa ruộng vẽ thành hình bàn cờ đang xanh màu mạ non tươi mát, nơi con đường dẫn vào các bản người dân tộc Vân Kiều tạo thành vệt màu quanh co uốn lượn. Lên tiếp trăm bậc nữa, cảnh sắc lại thay đổi khi hồ Rào Đá hiện ra, mờ ảo và đẹp tựa vịnh Hạ Long thu nhỏ.

Lúc này, xen giữa những bậc đá xanh là nhiều phiến đá bạc cũ, có lẽ là vết tích của con đường lên núi năm xưa của các bậc chân tu và phật tử. Rồi một ngôi mộ cổ hiện ra trên hành trình cheo leo ấy. Mộ nhỏ, đắp bằng đá với những chân hương cũ mới đan xen, có những cây hương du khách vừa thắp đang lặng lẽ tỏa hương trong không gian mờ ảo của khói mây…

Sau gần một giờ leo núi, con đường cheo leo rất dài đột ngột kết thúc ở một bãi đất rộng rãi và bằng phẳng, đấy là nơi chùa Kim Phong toạ lạc. Ngôi chùa này từng được nhắc đến trong các cuốn sách như Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí và các sách từ điển di tích văn hoá Việt Nam. Được xây dựng từ năm 1701, sau những thăng trầm của thời gian và lịch sử, ngôi chùa chỉ còn lại những phế tích, trong đó có ngôi miếu nhỏ và nền gạch cũ…
Đứng ở sân chùa, chợt hình dung cảnh sắc nơi đây mấy trăm năm trước, các bậc chân tu, phật tử mắt nhìn về chân núi, thu trọn cảnh sắc xanh tươi, trù phú của làng quê trong tiếng chuông chùa bình yên. Cũng tại đây có hai ngôi mộ cổ được đắp bằng đá luôn ấm áp khói hương. Tìm hiểu nguồn gốc về hai ngôi mộ này, có người cho rằng đấy là mộ của các vị sư ở chùa Kim Phong, người lại bảo đấy là nơi yên nghỉ của phật tử khi đang vãn cảnh chùa. Thời gian mải miết trôi, những thắc mắc vẫn chưa có lời giải đáp, nhưng du khách đến với Thần Đinh đều kính cẩn nghiêng mình trước nơi yên nghỉ của bậc tiền nhân, những người đã từng gắn bó với ngôi chùa thiêng trên núi…

Rời sân chùa, theo những bậc đá xuống bên kia sườn núi sẽ đến động Thạch Nhũ, giếng Tiên. Động Thạch Nhũ bí hiểm thông với giếng trời gợi sự tò mò, khám phá của hầu hết du khách. Chặng đường từ động Thạch Nhũ đến giếng Tiên là một hành trình hấp dẫn khi đi qua những tán cổ thụ của rừng nguyên sinh với những hình thù kỳ lạ. Giếng Tiên khởi nguồn từ một dòng nước chảy ra từ lòng núi, tụ lại khiêm nhường đủ để du khách vốc tay nếm dòng nước thiêng sau hành trình dài lên núi rồi tiếp tục mải miết chảy về chân núi.
Kết thúc hành trình, du khách có thể ngược lên đỉnh núi bằng con đường mòn lô nhô đá để có thể bao quát cả vùng đất trù phú, xanh tươi dưới chân núi Thần Đinh.

Xung quanh chùa Kim Phong có rất nhiều truyền thuyết. Những câu chuyện được truyền tụng từ đời này qua đời khác mang lại sự bí hiểm và linh thiêng cho ngôi chùa này. Đến đây, du khách không chỉ được đắm mình trong những truyền thuyết đó, mà còn được cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn sau những nỗ lực để chinh phục trên 1.200 bậc đá. Đó còn là sự biết ơn đối với những người đã từng đổ mồ hôi, công sức, tạo dựng nên từng bậc đá suốt hành trình cheo leo, hiểm trở để con đường lên núi thiêng gần hơn, an toàn và thuận lợi hơn.

Nhiều du khách cũng đã vượt qua bao vất vả trên chặng hành trình để mang những viên gạch về đích với niềm tin tưởng mai này, ngôi chùa sẽ được trùng tu, tôn tạo, trở thành điểm đến của tăng ni, phật tử và du khách thập phương.

Với những dấu ấn của mình trong suốt hơn ba thế kỷ qua, ngày 18-8-2004, di tích danh thắng núi Thần Đinh đã được UBND tỉnh xếp hạng bảo vệ theo quyết định số 2541/QĐ-UB. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch cho biết, trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, núi Thần Đinh, trong đó có chùa Kim Phong là một trong những điểm du lịch tâm linh của tỉnh với các kế hoạch đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn.

Ở thời điểm hiện tại, khi ngôi chùa cổ chỉ còn là phế tích, một số du khách còn thiếu ý thức khi đến vãn cảnh chùa, điểm du lịch tâm linh này còn đó nhiều điều cần bàn, cần quan tâm và chung tay giải quyết. Nhưng với những giá trị về lịch sử cùng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên nơi đây, tin rằng trong tương lai gần, núi Thần Đinh sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương. Để không chỉ mùa xuân, mà cả bốn mùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh sắc tuyệt vời của ngọn núi thiêng trong tiếng chuông chùa ngân vang…

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour