Du lịch Quảng Bình tìm hướng phát triển bền vững


Những đặc điểm về vị trí địa lý, đặc trưng của địa hình, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa đã tạo cho Quảng Bình những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái – tham quan hang động. Nổi bật nhất là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ, qua các cuộc khảo sát hệ động, thực vật tại VQG PNKB, bước đầu đã thống kê được 1.762 loài thực vật bậc cao với 710 chi, 162 loài. Có 63 loài thực vật được coi là có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có 38 loài ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam và 25 loài được ghi trong danh sách các loài bị đe dọa toàn cầu. Có 1.074 loài động vật xương sống thuộc 338 giống với 134 họ, 43 bộ và 352 loài động vật không xương sống, trong đó ngành thân mềm có 10 loài thuộc 8 chi, 6 họ và ngành chân khớp 292 loài thuộc 5 lớp. Năm 2001 Chính phủ đã quyết định chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha thành VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm đáp ứng đầy đủ hơn và nâng cao khả năng bảo vệ nhiều loài động, thực vật quý hiếm nơi đây như loài Voọc Hà Tĩnh, Sao La… và những những giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo đại diện cho các giai đoạn của lịch sử trái đất.

Phong Nha – Kẻ Bàng còn có hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ, sông ngầm kỳ vỹ nhất thế giới như động Phong Nha, động Tiên Sơn, hang Én, hang Sơn Đoòng, hang Khe Ry… Đến nay, hơn 20 hang động với tổng chiều dài trên 80 km đã được khảo sát kỹ lưỡng đã, đang và sẽ đưa vào khai thác du lịch. Xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp với cấu trúc địa hình karst là những dòng sông, thung lũng xinh đẹp, những cánh rừng nguyên sinh chưa bị tác động bởi yếu tố con người. PNKB hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, hệ thống hang động huyền bí, môi trường sinh thái rừng nguyên sinh trong lành và tài nguyên du lịch đa dạng. Từ tháng 7-2003, PNKB được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, được tăng cường quảng bá trong nước và trên thế giới, ngày càng nhiều du khách đã đến tham quan nơi đây.

Dong Phong Nha, Phong Nha Cave

Quảng Bình còn có bãi biển Nhật Lệ đẹp và thơ mộng, nơi từng lưu dấu bước chân của nhiều danh nhân như Trần Nhân Tông, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Du. Nơi đây còn có vinh dự lớn được Hồ Chủ tịch khi về thăm Quảng Bình năm 1957 đã đến nghỉ ngơi, tắm biển… Bên cạnh đó còn là những bãi biển cát trắng mịn với làn nước xanh biếc khác như: Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy… Huyện Quảng Ninh có quần thể di tích danh thắng Chùa Non – núi Thần Đinh – sông Long Đại. Huyện Lệ Thủy có suối Bang. Các điểm du lịch đó tạo thành một hệ thống các tuyến điểm du lịch hứa hẹn nhiều cơ hội cho phát triển du lịch sinh thái.
Tuy vậy trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương đã có nhiều tác động không có lợi cho việc bảo vệ môi trường. Việc đầu tư không đồng bộ và chưa đúng tiêu chuẩn cũng tác động tiêu cực đến môi trường nơi đây. Nạn phá rừng, săn bắt khiến nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ biến mất, các loài như Voọc Hà Tĩnh được bảo vệ rất nghiêm ngặt nhưng số lượng phát triển khá chậm. Hơn thế nữa việc xây dựng các con đường mới, sử dụng các loại thuyền chở khách chạy động cơ dầu diezen cũng gây ra sự biến đổi của hệ sinh thái, nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ở các dòng sông Chày, sông Son ngày càng cao.
Bảo vệ môi trường thiên nhiên có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của du lịch sinh thái, cũng có nghĩa là quyết định đến tương lai du lịch Quảng Bình. Thông điệp của tổ chức Du lịch thế giới đã nêu rõ “…trong thế giới phát triển, du lịch đặc biệt là các hoạt động du lịch sinh thái, thăm thú thiên nhiên hoàn toàn có tiềm năng góp phần vào xóa đói giảm nghèo tại những vùng xa xôi hẻo lánh của các nước phát triển; du lịch sinh thái – khám phá thiên nhiên được xem là công cụ tốt để giáo dục về môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết phải bảo vệ hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương….” vì vậy tỉnh ta cần nhanh chóng thực hiện  nhiều biện pháp đồng bộ để có thể giữ gìn, phát huy những ưu thế mà thiên nhiên ưu đãi, hạn chế tới mức thấp nhất sự quá tải của các khu, điểm du lịch, có cơ chế khuyến khích việc khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay dành cho các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái. Nhất là việc khai thác du lịch trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành, quản lý nhà nước với địa phương và người dân vùng sở tại.
Hiện nay đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Bên cạnh đó quy hoạch phát triền du lịch bền vững khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn 2025 cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai kế hoạch cũng như đầu tư các dự án phát triển du lịch. Việc bảo đảm  cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với quy hoạch phát triển du lịch cần được quản lý chặt chẽ, cần thu hút thêm nhiều dự án đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch trên cơ sở không phá vỡ cảnh quan du lịch.
Một trong những yếu tố để phát triển du lịch sinh thái chính là việc nâng cao nhận thức của người dân địa phương về môi trường sống, về ý nghĩa của phát triển du lịch sinh thái đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Khuyến khích, thuyết phục cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý tuyến, điểm du lịch. Xem cộng đồng địa phương như là những người chủ thực sự của tài nguyên du lịch đó. Làm sao cho cộng đồng địa phương hiểu và gắn kết với các hoạt động bảo tồn phát triển du lịch sinh thái.
Tỉnh ta cũng cần có một đội ngũ lao động du lịch có trình độ và kinh nghiệm. Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 thì năm 2015 tỉnh ta cần 22.400 lao động, trong đó có 7000 lao động trực tiếp. Năm 2020 con số sẽ là 42.600 lao động, trong đó 13.300 là lao động trực tiếp. Để thực hiện được những nhiệm vụ trên trước hết Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch phải là đầu tàu, cần có chương trình đào tạo, học hỏi các mô hình phát triển du lịch sinh thái ở các tỉnh, quốc gia khác. Tỉnh ta và các doanh nghiệp du lịch cũng cần xác định cho mình sự đầu tư xứng đáng vào loại hình du lịch sinh thái.
Với tiềm năng như thế, có thể xác định phát triển du lịch sinh thái – tham quan hang động sẽ là hướng phát triển bền vững của du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.

Xuân Hoàng

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour