Đồi Cha Quang di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quảng Bình


Đồi Cha Quang hay còn gọi Đồi Ba Bảy nằm bên sườn của một ngọn đồi trên đường 12A, thuộc bản Y Leng, xã Dân Hòa, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồi Cha Quang là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của hỏa lực không quân Mỹ.

Nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công hào hùng của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) C759 được lập nên trong cuộc chiến đấu bảo vệ huyết mạch giao thông trên tuyến đường chi viện chiến lược 12A. Đây còn là nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 07 chiến sĩ TNXP C759 anh hùng ngày 37/1966 khi đang làm nhiệm vụ khôi phục mặt đường do bom đạn địch đánh phá đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca bất tử.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường 12A trên tuyến Đông – Tây vượt đãy Trường Sơn là tuyến vận tải cơ giới có vị trí quan trọng, là điểm nút chiến lược về giao thông vận tải chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Vì vậy, đế quốc Mỹ luôn tập trung máy bay ném bom dữ dội hòng cắt đứt mạch máu chi viện của hậu phương ta. Để giữ vững mạch máu giao thông quan trọng này, đội thanh niên xung phong (TNXP) C759 gồm những chàng trai, cô gái huyện Tuyên Hóa được thành lập để tăng cường lên chốt ở các căn cứ trọng điểm trên đường 12A. Sau khi phát hiện con đường này, từ tháng 8/1964, địch đã tập trung đánh phá ác liệt suốt từ ngã ba Khe Ve lên đến đèo Mụ Giạ. Hàng loạt các trọng điểm như Khe Tang, Khe Ve, Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời, đèo Mụ Giạ.. địch liên tục dội bom rất khốc liệt. Mỗi trọng điểm như một “trận địa” kiên cường, ghi dấu những chiến công oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong tham gia bảo vệ tuyến đường.

Di tích lịch sử Đồi Cha Quang
Di tích lịch sử Đồi Cha Quang

Chị Trần Thị Huế, nguyên Tiểu đội trưởng A7, C759 kể lại rằng: ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch) năm 1965, hai trăm TNXP của huyện Tuyên Hoá (70 nữ) được tổ chức thành một đại đội lấy tên là C759, phiên chế thành 8 tiểu đội để bổ sung lực lượng cho công trường 12A. Lúc này trên công trường 12A đã có 500 công nhân đảm nhận giao thông đoạn từ ngã ba Khe Ve đến Cổng Trời, C759 phụ trách đoạn đường 10km từ Khe Cấy lên Bãi Dinh, cứ 1 km có một tiểu đội A giữ chốt.

Đồng chí Phạm Xuân Mai được điều động làm Đại đội trưởng, chị Trần Thị Thành làm Bí thư chi bộ, chị Trần Thị Huế làm Tiểu đội trưởng A7, chị Nguyễn Thị Kim Huế làm Tiểu đội trưởng A6. Mặc dù phần lớn là chị em, đóng quân nơi “rừng xanh rú đỏ”, khó khăn, thiếu thốn đủ bể nhưng vượt lên tất cả, các anh chị vẫn làm việc hăng say để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều tấm gương anh dũng ôm cả bom nổ chậm lăn ra khỏi mặt đường như anh Trần Đức Hè, dùng cảm lao động sáng tạo như chị Nguyễn Thị Kim Huế, chị Trần Thị Thánh. Với khẩu hiệu: “Địch đánh rừng già, ta ra rừng non; Địch đánh rừng non, ta ra đồi trọc; Đích đánh đồi trọc, ta ra bám đường“, lực lượng TNXP cùng bộ đội không ngại gian khổ, hiểm nguy, vượt qua mưa bom bão đạn, anh dũng chiến đấu bảo vệ thông suốt tuyến đường để kịp thời chi viện cho chiến trường.

Ngày 3/7/1966, địch cho nhiều tốp máy bay thay phiên nhau dội bom xuống khu vực núi Y Leng, tại km 21 đường 12A. Nơi đây có ngọn đồi Cha Quang do các tiêu đội A2, 4, 6, 7 của C759 và các chiến sĩ công binh đang chốt giữ làm đường. Suốt từ 1 giờ sáng ngày 3/7 đến 12 giờ trưa hôm sau, bom đạn Mỹ liên tục dội xuống khu vực ngọn đồi này, cày xới làm hàng ngàn khối đất đá đổ sập xuống mặt đường, vùi lắp cả đơn vị TNXP C759 đang làm nhiệm vụ lúc 22 giờ đêm 3/7/1966. Hơn 50 chiến sĩ C759 bị thương và 1l chiến sĩ công binh hy sinh được đưa ra khỏi hiện trường, còn lại 07 thi thể TNXP đang bị vùi lấp trong đống đất đá đổ sập chưa thể đưa lên được.

Tình thế vô cùng cấp bách, đường tắc khiến nhiều đoàn xe vận tải bị ùn ứ, nếu chờ lấy được thi thể của các đồng đội thì địch sẽ phát hiện và tập trung đánh phá, khi đó thiệt hại sẽ gấp bội, còn nếu san đường thông xe thì thi thể các đồng đội sẽ ra sao? Rất khó khăn để đưa ra một quyết định vẹn toàn. Cuối cùng, vì tiền tuyến mà nén lại đau thương, “máu 759 có thể đổ nhưng đường 759 không thể bị tắc”, đó là quyết tâm cũng là mệnh lệnh từ trái tim của các chàng trai, cô gái C759 anh hùng. Toàn đơn vị đã biến đau thương thành hành động, quyết định san đường thông xe trong nỗi đau day dứt, tiếc thương vô hạn trước sự hy sinh lớn lao của các đồng đội. Đường được khai thông, từng đoàn xe thẳng tiến vào chiến trường, các chiến sĩ trong đơn vị tiếp tục lao vào tìm kiếm đồng đội. Thi thể các liệt sĩ TNXP lần lượt được tìm thấy sau một ngày, hai ngày, ba ngày, đặc biệt có liệt sĩ phải sau 45 ngày mới tìm được. Sau sự kiện lịch sử này, các chiến sĩ TNXPC759 đã lấy ngày 03/7 đặt tên cho ngọn đồi nơi các chị, các anh đã ngã xuống. Và từ đây, đồi Cha Quang có thêm tên gọi khác. “Đồi Ba Bảy”.

Tháng 01/1967, tại Đại hội Thanh niên Quyết thẳng toàn quốc, Đại đội C759 TNXP tỉnh Quảng Bình vinh dự được tuyên dương là tập thể anh hùng, trong đó chị Nguyễn Thị Kim Huế và Tiểu đội A6 của chị được tặng danh hiệu anh hùng ngành Giao thông vận tải.

Ngày 07/5/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã ban hành Quyết định số 1732/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với đồi Cha Quang. Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đầu tư xây dựng nhà bia tượng niệm di tích lịch sử đồi Cha Quang để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Cùng với các điểm di tích nổi tiếng như Khe Ve, Bãi Dinh, La Trọng, Cỗng Trời, Cha Lo, đèo Mụ Dạ., di tích lịch sử đồi Cha Quang mãi là “địa chỉ đỏ” trên tuyến đường 12A trong hành trình du lịch thăm lại chiến trường xưa, tri ân đồng đội. Đồng thời cùng trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa độc đáo của các tộc người Bru-Vân Kiều, Chứt, Máy, Khủa. đang sinh sống tại đây. Mong rằng trong tương lai Đồi Cha Quang sẽ là điểm đến của du khách khi đến Du lịch Quảng Bình

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour