Đến Phong Nha nhớ một thời lửa đạn


Du khách đến với Phong Nha không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của hang động đá vôi, cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn, kỳ thú mà còn khám phá trong lòng di sản những ký ức trầm tích của một thời lửa đạn chưa xa.

Với các cựu chiến binh, cái tên “bến phà Xuân Sơn” đồng nghĩa với niềm tự hào, bởi chính nơi đây bộ đội, thanh niên xung phong đã chiến đấu quả cảm và chiến thắng sức mạnh đạn bom của kẻ thù, giữ vững mạch máu giao thông cho con đường Trường Sơn huyền thoại. Bến phà Xuân Sơn ngày ấy, bây giờ nằm cạnh bến phà đưa du khách vào tham quan động Phong Nha và động Tiên Sơn

Bến phà Xuân Sơn cách đây gần nửa thế kỷ khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc được ví như là túi bom. Bến phà do Đại đội 16 của Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559 đảm nhận vận hành. Sau này, Binh trạm 14 còn mở thêm một bến phà B, mang tên là bến phà Nguyễn Văn Trỗi. Bến phà B cách bến phà A chừng 5km về phía thượng nguồn, cách động Phong Nha không xa. Theo du thuyền trên hành trình dọc sông Son, du khách sẽ bắt đầu chuyến tham quan của mình tại vị trí ngày xưa là bến phà A ngang qua bến phà Nguyễn Văn Trỗi trước khi du thuyền cập bến động Phong Nha.

duong 20 quyet thang ngay nay
Ảnh: Đường 20 Quyết Thắng ngày nay.

Nếu hành trình theo đường bộ, từ Trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái Vườn Quốc gia phong Nha – Kẻ Bàng du khách sẽ thám hiểm những khu rừng hoang sơ dọc theo tuyến đường 20 Quyết Thắng và lắng nghe những câu chuyện bi tráng về một con đường huyền thoại từ những tháng năm xẻ dọc Trường Sơn chống Mỹ cứu nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đi khảo sát đường Trường Sơn vào năm 1973 qua đường 20, vị Tổng tư lệnh ngày đó đã xúc động biểu dương: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ, thanh niên xung phong làm nên”.

Nhận thấy đường 20 là một trong những tuyến đường vận tải quan trọng bậc nhất chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng dội bom đánh phá. Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic đã nổi danh thành điểm ATP (là tọa độ lửa của đạn bom giặc Mỹ).

Cua chữ A là 1 trong số 42 điểm bị đánh phá ác liệt nhất, trong số 16.000km mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh. Tại trọng điểm này, giặc Mỹ từ năm 1965 – 1972 đã huy động trên 3.000 lần chiếc máy bay đánh phá. Chúng đã ném xuống cua chữ A gần 21.000 quả bom phá, gần 800 quả bom sát thương và 3.400 loạt bom bi, trên 200 quả bom cháy.

Với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong đã bám trụ trọng điểm và hàng trăm người con trung dũng của quê hương đã ngã xuống để viết nên trang huyền thoại về một con đường.

Câu chuyện về kỳ tích của con đường 20 Quyết Thắng năm xưa còn được nhắc đến ở trọng điểm Trạ Ang. Tại đây, vào tháng 9/1968, khi vận chuyển 60 phi xăng, 29 cán bộ, chiến sĩ của Binh trạm 14 đã anh dũng hy sinh. Máu trộn xăng đã nhuộm đỏ dòng suối.

Km16+200 chính là địa danh mang niềm đau và huyền thoại về tinh thần chiến đấu quả cảm và hy sinh, cũng như chiến công bất tử của những con người một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Tại vị trí này có một hang sâu ven đường rất thuận lợi cho bộ đội và thanh niên xung phong trú ẩn, tránh máy bay địch.

Ngày 14/11/1972, máy bay B52 đến dội bom vào tuyến đường 20. Một loạt bom tàn khốc đã làm một khối đá lớn nặng khoảng 100 tấn sập xuống, lấp kín cửa hang, vùi lấp 8 thanh niên xung phong thuộc đơn vị C217. Tiếng kêu cứu của các anh, các chị trong hang vẫn vang vọng ra. Đồng đội tìm mọi cách ứng cứu nhưng không thể di chuyển khối đá định mệnh án ngữ cửa hang. Các anh, các chị đã ra đi như thế khi tuổi đời còn phơi phới thanh xuân.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về con đường một thời lửa đạn thì vẫn còn đó. Tại Km16+200 nay đã có Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng. Du khách đến với Phong Nha – Kẻ Bàng tất thảy đều dừng chân thắp nén nhang tưởng niệm những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong gió ngàn Trường Sơn hùng vĩ dường như vẫn vang vọng âm thanh của những đoàn quân ra trận ngày nào. Các điểm di tích, đường Trường Sơn trong lòng di sản như là những điểm nhấn về văn hóa tâm linh để cho du khách gửi gắm cõi lòng mình trong niềm tự hào và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước.

Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng lôi cuốn du khách không chỉ bởi những nét đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên mà còn bởi nơi này vẫn lưu giữ những trang lịch sử đáng tự hào của quê hương, đất nước mà mỗi một con người đều muốn được chạm vào để cảm nhận trang lịch sử không thể nào quên ấy.

Sỹ Hùng – QBTV

.

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour