Cảng cá Thanh Khê nơi mở đầu tuyến Hồ Chí Minh trên Biển tại Quảng Bình


Cảng cá Thanh Khê hay còn gọi là Cảng cá sông Gianh (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) là điểm mở đầu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược của đường Hồ Chí Minh trên biển ở Quảng Bình.

Sông Gianh ngày nay
Sông Gianh ngày nay (Ảnh Sưu tầm)

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Dựa vào viện trợ và điều hành của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức chống phá Hiệp định Giơnevơ, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Nam – Bắc; tiến hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát hàng vạn đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam.

Nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam trực tiếp chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Tháng 7/1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603 lấy tên là “Tập đoàn đánh cả Sông Gianh “trực thuộc Đoàn 559 do đồng chí Hà Văn Xá làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Lưu Đức làm chính trị viên. Tiểu đoàn thực hiện nhiệm vụ đưa đón bộ đội, vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện vào miền Nam. Sau khi ổn định tổ chức, tiểu đoàn được lệnh chọn cảng cá Thanh Khê làm địa điểm đóng quân.

Cảng cá Thanh Khê ngày nay

Cuối tháng 1/1960, chuyến thuyền buồm đầu tiên của Tiểu đoàn 603 chở gần 5 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men rời cảng Thanh Khê chuyển vào cho Liên khu V. Trên thuyền có 06 người do Trung úy Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, đồng chí Trần Thuế làm thuyền phó cùng các thuyền viên. Triệt để lợi dụng yếu tố bí mật bất ngờ, thuyền lặng lẽ xuất phát. Tuy nhiên, vừa đến vùng biển Quảng Nam thì gặp phải sóng to, gió lớn, thuyền bị gãy bánh lái trôi dạt vào Cù Lao Xanh (biển Quảng Ngãi). Quân địch tại đây đã phát hiện được nên lập tức tổ chức vây bắt. Để đảm bảo bí mật, thuyền trưởng Nguyễn Bất đã lệnh cho các thuyền viên nhanh chóng thả hàng xuống biển trước khi tất cả bị địch bắt. Mặc dù bị lưu đày và tra khảo rất dã man nhưng các cán bộ và thuyền viên vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, quyết không khai báo, giữ vững bí mật.

Sau chuyến hàng đầu tiên không đến được đích, Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động. Tháng 4/1960, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể tiểu đoàn 603, sáp nhập vào tiểu đoàn vận tải bộ 301 và giao nhiệm vụ vận tải chi viện đường biển cho lực lượng bộ đội hải quân. Tiểu doản 603 chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn với chuyến vận tải đầu tiên không thành công nhưng đã đánh dấu chuyến mở đường vận tải đầu tiên trên tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển. Qua chuyến hàng này đã cho ta thêm bài học kinh nghiệm trong phương thức vận chuyển chi viện bí mật bằng đường biển, giúp bộ đội, hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ sau này.

Đường Hồ Chí Minh trên biển

Thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ từng bước chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, đồng thời mở rộng hoạt động của không quân và hải quân đánh phá miền Bắc ở Quảng Bình, chúng đẩy mạnh các hoạt động trinh sát, tung gián điệp, biệt kích phong tỏa trên cả hai hướng rừng và biển.

Ngày 2/3/1965, Mỹ điều máy bay chiến đấu cất cánh từ các tàu sân bay ngoài khơi tấn công vào các căn cứ quân sự đóng tại sông Gianh, trọng điểm có cảng cá Thanh Khê (cảng Gianh) nhằm tiêu diệt tàu chiến hải quân và các cơ sở cầu cảng của ta. Chúng liên tục tập kích từ sáng đến tối vào các khu neo đậu khiến tàu hải quân của ta bị phá hủy, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong. Nhưng với quyết tâm “còn người còn tàu, còn vũ khí còn chiến đấu”, bộ đội hải quân và lực lượng phòng không tại cảng đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, đánh tan các trận tập kích lớn của địch.

Năm 1966, nhận định cảng cá Thanh Khê là nơi tiếp chuyển cơ sở vật chất chi viện vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tiếp tục huy động các phương tiện chiến tranh hiện đại cùng vũ khí tối tân tập kích vào căn cứ ở hai đầu cảng nhằm tiêu diệt tàu vận tải và các khu trung chuyển hàng hóa của ta, chặn đứt hệ thống vận tải thủy đi qua cảng Thanh Khê.

Tháng 7/1967, trong chiến dịch “Rồng biển”, Mỹ huy động gần 50 tàu chiến các loại tổ chức thành từng tốp, hai đến ba khu trục hạm tiến vào vùng bờ biển Quảng Bình. Chúng thả thủy lôi, bom từ trường phong tỏa cảng cá Thanh Khê, các khu tiếp nhận trung chuyển hàng hóa ở cảng Nhật Lệ, các bến phà, cầu cảng vùng cửa sông, cửa lạch tiêu diệt tàu vận tải của ta. Pháo 127 ly, 203 ly trên các tàu chiến hải quân Mỹ liên tục bắn phá các mục tiêu ven biển, cửa sông và tiến sâu vào vùng nội địa của ta.

Trước hành động leo thang đánh phá của địch, các đơn vị pháo binh của ta đã tích cực chống trả, gây nhiều thiệt hại cho các tàu chiến của địch. Điển hình là ngày 01/3/1967, Đại đội 8 pháo binh Quảng Bình đã bắn bị thương tuần dương hạm Can-be-ra của Mỹ.

Xác định việc chi viện cho chiến trường miền Nam là nhiệm vụ chiến lược lâu dài và toàn diện, địch càng đánh phá ngăn chặn ác liệt, con đường vận chuyển trên biển càng phát triển. Sau cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, nhận định tình hình địch sẽ tạm ngừng đánh phá miền Bắc, Trung ương Đảng đã chủ trương mở một chiến dịch vận tải lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Quảng Bình cũng nhận được lệnh chuẩn bị sẵn sàng tham gia chiến dịch vận tải đặc biệt này. Chiến dịch mang tên VT5, Dự tính trong ba tháng VT5 sẽ đưa vào Quảng Bình khoảng 12 vạn tấn hàng để chuyển tiếp vào các chiến trường. Cảng cá Thanh Khê và cảng Nhật Lệ sẽ là nơi tiếp nhận hàng. Triển khai kế hoạch, Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ thị thành lập hai trạm tiếp nhận là cảng Thanh Khê ở phía Bắc và cảng Nhật Lệ – Đồng Hới ở phía Nam.

Ngày 2/11/1968, đoàn tàu vận tải đầu tiên xuất phát từ Hải Phòng đã cập bến cảng cá Thanh Khê. Tính từ tháng 11/1968 đến tháng 4/1970, chiến dịch VTS đã vận chuyển được gần 35 nghìn tấn hàng vào cảng Thanh Khê để chuyển tiếp vào chiến trường.

Trên chiến trường miền Nam, cuộc chiến giữa ta và địch ngày càng ác liệt. Để đảm bảo nhu cầu chi viện phục vụ chiến đấu, Quảng Bình nhận được kế hoạch KHR1, tiếp nhận hàng viện trợ của các nước đến từ đường biển để chuyển đi các tuyến. Xí nghiệp cảng cá Thanh Khê được giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt thực hiện kế hoạch. Tháng 3/1972, chuyển hàng viện trợ đầu tiên gồm gạo và nhu yếu phẩm được ta tiếp nhận an toàn bí mật. Sau đó, địch đã phát hiện được việc ta tập kết hàng tại cảng Gianh nên chúng huy động tàu chiến và máy bay bắn phá, phong tỏa toàn bộ khu vực bên cảng. Đặc biệt, đêm 13/1/1973, máy bay Mỹ đã ném bom xuống trạm tiếp nhận trung chuyển cảng Thanh Khê làm cho 156 bộ đội và công nhân cảng đang làm nhiệm vụ bốc chuyển hàng bị thương vong.

Với khẩu hiệu: “đường tắc nhưng hàng không thể tắc”, các chiến sĩ, công nhân đã không ngại gian khổ hiểm nguy, kiên cường bám cảng, đã tiếp nhận hàng ngàn tấn gạo chuyển vào chiến trường, quyết tàm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ.

Năm tháng đi qua, những chiến công hào hùng và sự hy sinh cao cả mà các cán bộ, chiến sĩ và công nhân cảng cá Thanh Khê lập nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ mãi mãi ghi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử trên tuyến vận tải chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày nay, đất nước trong thời kỳ đổi mới, cán bộ chiến sĩ cảng cá Thanh Khê tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của thể hệ cha anh đi trước, quyết tâm xây dựng cảng mạnh về kinh tế, ổn định về an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần cùng nhân dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử cảng cá Thanh Khê (cảng Gianh) có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thể hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour