Báo động mùa du lịch


Những năm gần đây, du lịch Quảng Bình luôn gặt hái con số tăng trưởng gấp đôi năm trước bởi hệ thống hang động hùng vĩ ở khối núi Kẻ Bàng nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Lượng khách hành hương về khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày càng nườm nượp. Ngành Du lịch được xác định là nền kinh tế mũi nhọn và trở thành ngôi sao du lịch trong sổ tay của khách nội địa và quốc tế. Nhưng cao điểm mùa du lịch năm nay qua các ngày nghỉ lễ xuất hiện những điểm cần báo động.

>> Về Quảng Bình viếng mộ Đại tướng, tham quan động Phong Nha, Thiên Đường

vieng mo dai tuong vo nguyen giap

Hàng nghìn du khách tới viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp lễ 30/4 1/5

Báo động hệ thống lưu trú mùa du lịch

Ăn ở vạ vật, phải ngủ ghép phòng, trải chiếu ngoài hành lang khách sạn, nhà nghỉ là điều diễn ra dày đặc trong các mùa cao điểm du lịch của mấy năm gần đây tại các cơ sở lưu trú của tỉnh Quảng Bình. Năm nay, lượng khách hành hương về Vũng Chùa đột biến, có ngày lên hơn 35.000 người. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Quảng Bình đã thật sự quá tải.

Những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài đến hết tuần, lượng người đổ về Quảng Bình đông không thể tưởng tượng, các loại hình nghỉ dưỡng từ bình dân, hạng trung, đến cao cấp đều kín chỗ trước đó một tháng. Tuy nhiên, du khách bất chấp tình trạng đó vẫn chọn Quảng Bình để hành hương và tham quan hang động. Ông Hà Minh Tuân, Phó phòng du lịch của Sở VH-TT và DL cho biết: “Địa phương có 246 cơ sở lưu trú với hơn 3.500 phòng đã hoàn toàn hết chỗ, có một số cơ sở lưu trú được phép ghép thêm giường để phục vụ du khách nhưng cũng không đáp ứng nổi”.

Ông Nguyễn Nam Bảy từ TP. Hồ Chí Minh hành hương đến Vũng Chùa và ở lại Đồng Hới để hôm sau đi tham quan hang động cho biết: “Đoàn tui có 20 người, đã đặt phòng ở trung tâm Đồng Hới trước rồi, họ đã chắc chắn có đầy đủ 10 phòng. Thế nhưng khi đến nơi nhận phòng, họ nói chỉ còn 5 phòng, giận lắm, nhưng đi một vòng chẳng còn nơi nào có nữa, đành ở lại chật chội”.

Trong khi đó, các cơ sở lưu trú ở Hoàn Lão, Sơn Trạch (Bố Trạch), quê hương của di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, nhiều chủ cơ sở lưu trú cho biết, hàng loạt đoàn khách không tìm kiếm được phòng nghỉ đã xin ngủ nhờ ngoài hành lang, nhờ thêm cái quạt. Đoàn nào vào trước thì còn chút hành lang để vạ vật, đoàn nào vào sau thì hết. Tuy nhiên, theo các chủ cơ sở này, họ phục vụ miễn phí quạt, nước uống, chiếu và ăn sáng cho khách không tìm được phòng.

Anh Nguyễn Quân Trình ở Hà Nội vào cho biết: “Tôi cùng người nhà ở khách sạn Tràng An (Sơn Trạch, Bố Trạch) nhưng không có phòng, may chủ khách sạn bố trí chiếu, quạt, nệm, nước uống, đồ ăn sáng miễn phí. Đoàn hơn 30 người, kiếm phòng bở hơi tai, cuối cùng cũng có chỗ ngả lưng, tuy không như ý với đi du lịch, nhưng tình cảm của chủ khách sạn cũng động viên phần nào”.

Giá tăng tùy hứng

Khi công năng buồng giường ở mức báo động đỏ, thì các chủ cơ sở lưu trú đều đồng loạt tăng giá phòng. Nhiều nhà nghỉ bình thường chỉ 200.000 đến 250.000 đồng mỗi phòng/ngày thì nay đã vọt lên đến 1,5 triệu đồng, có nơi hét giá đến 2 triệu đồng cho ngày cao điểm nhưng chất lượng phục vụ rất kém, khan nước uống, không đủ điều hòa, quạt có lúc hỏng hóc, chạy chậm, giường nệm ẩm mốc…

Đó là việc hét giá chưa từng có tại Đồng Hới đã làm cho nhiều du khách buồn phiền và ca thán. Chị Trịnh Thị Oanh ở Hà Nội cùng gia đình 4 người vào ở một nhà nghỉ trên đường Lý Thường Kiệt cho biết: “Chỉ còn 2 phòng duy nhất, nhà chia nhau ra ở, nhưng giá 2 triệu, biển ghi nhà nghỉ mà đắt hơn cả khách sạn 2-3 sao. Nước uống không tốt, phục vụ phòng lúc có lúc không, điều hòa thì hỏng hóc, chỉ mỗi cái quạt treo tường cũ kỹ, cáu bẩn chạy chậm chạp, nhưng lỡ đến rồi thì cũng đành nghỉ một bữa”.

Trong khi đó, các cơ sở lưu trú cao cấp cũng có dấu hiệu tăng giá nhưng không tăng vô tội vạ như giới nhà nghỉ, khách sạn 1 sao, họ chỉ tăng thêm 20-30% gồm chi phí phục vụ và các dịch vụ khác trong khu nghỉ dưỡng khi họ sử dụng.

Một biểu hiện nữa ảnh hưởng đến tâm lý rất đông du khách là các hàng quán dọc biển Nhật Lệ, Quảng trường biển Bảo Ninh, Quang Phú, Nhật Lệ II đều “chặt chém” giá với các món ăn hải sản, và điểm tâm hằng ngày. Trước tình hình đó, Chi cục quản lý thị trường Quảng Bình đã kiểm tra sơ bộ 279 lượt nhà hàng, có 65 trường hợp không niêm yết giá, bị phạt 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo nhiều du khách, nhiều nhà hàng niêm yết giá cho có, còn thực đơn tính tiền lại khác. Chị Nguyễn Thị Hoài ở Hà Nội vào thưởng thức mực một nắng ở Quảng trường biển Bảo Ninh cùng nhóm bạn cho biết: “Lúc đầu hỏi chủ quán mực một nắng mỗi con ngon nhất bao nhiêu, nhân viên đưa ra trước hai con rất to, nói loại đặc biệt mỗi con 200.000 đồng, nhưng khi tính tiền, quán lại nói hôm nay giá mực tăng cao, mỗi con 400.000 đồng. Cũng trả tiền nhưng mà bực lắm, thà nói trước để khỏi phải  nặng nề”…

Cần phải làm gì?

Du lịch Quảng Bình là địa điểm đang lên trong ngành du lịch của Việt Nam .Quảng Bình cũng coi ngành công nghiệp không khói này là ngành kinh tế mũi nhọn có tính bền vững. Tuy nhiên, các hoạch định căn bản ở tầm cao chưa tạo ra sự xoay chuyển tốt về giá cả các loại dịch vụ, công năng buồng giường và chất lượng phục vụ.

Tỉnh cần khuyến khích xã hội hóa đầu tư nhà nghỉ du lịch trong các thành phần kinh tế hoặc hộ cá thể. Chính quyền địa phương cần có quyết sách bảo lãnh trước các định chế tài chính để người kinh doanh du lịch đẩy mạnh vay vốn đầu tư vào khối lưu trú nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu du lịch của người dân khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế khi đến đây. Tiếp xúc với một số cơ sở lưu trú nhỏ được biết, họ rất muốn có sự chuyên nghiệp về cách làm, và muốn mở rộng hệ thống phòng nghỉ nhưng vốn vay quá lớn và lãi suất còn cao, trong khi đó thuế cũng cần tính tới sự ưu đãi miễn giảm trong bao nhiêu năm để kích thích hệ thống lưu trú phát triển rộng rãi.

Nhiều du khách cho rằng, ở Quảng Bình nên kêu gọi người dân tham gia cho du khách lưu trú tại gia đình mỗi mùa cao điểm để tránh tình trạng du khách vạ vật ở hành lang, hoặc vào các nhà nghỉ, khách sạn chặt chém. Ông Nguyễn Trần Minh ở TP. Hồ Chí Minh ra Quảng Bình du lịch nói: “Việc vận động người dân đón khách vào nhà mình cùng nghỉ là cách để du lịch địa phương đỡ mất điểm, tạo dựng được thêm hình ảnh với du khách để họ tuyên truyền xa thêm hình ảnh miền quê bình dị này. Khách ở với người dân cũng được tin tưởng và chỉ dẫn mua các món ăn ưa thích không bị hét giá quá cao thì họ sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp thị câu chuyện cho bạn bè của họ để người sau nối chân người trước tìm đến”.

Quảng Bình cần làm nhiều việc, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ từ chính quyền địa phương một cách đồng bộ để đưa lại hình ảnh tốt hơn cho du khách thập phương. Đó là nhu cầu tất yếu ngay từ bây giờ để những mùa du lịch sau không tái diễn những câu chuyện buồn.

Minh Phong  – Báo Quảng Bình

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour