Văn hoá tâm linh ở Quảng Bình: Tiềm năng du lịch mới


Những năm gần đây, loại hình sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh ở tỉnh Quảng Bình đang thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, nếu coi đây là một thế mạnh để đưa vào các tour, tuyến du lịch thì tiềm năng du lịch văn hoá tâm linh vẫn còn rất mới.

Quảng Bình là vùng đất văn vật, có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá với 103 di tích lịch sử, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 51 di tích cấp quốc gia, 52 di tích cấp tỉnh…cùng với nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị. Từ vài năm trở lại đây, văn hoá tâm linh đã đi vào đời sống của con người, và chính vì thế nhu cầu du lịch văn hoá tâm linh của không ít du khách đến từ trong nước và ngoài nước đang trở thành hướng mở để ngành du lịch tỉnh ta đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch này. Có thể điểm qua một số điểm du lịch văn hoá tâm linh được du khách tìm đến trong thời gian qua là:

Vũng Chùa – đảo Yến (ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) là danh thắng nổi tiếng nằm về phía Bắc tỉnh, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam được nhân dân kính trọng, yêu mến và tự hào chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng. Hiện nay Vũng Chùa – đảo Yến đã trở thành một địa danh thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân Việt Nam, nơi đây dù mưa hay nắng, dù ra Bắc hay vào Nam rất nhiều dòng người từ mọi miền đất nước ghé đến dâng những bó hương thơm, đóa hoa tươi thắm để tỏ lòng thành kính trước anh linh của người. Từ khi Đại tướng về với Vũng Chùa – đảo Yến đã có đến hàng triệu lượt người tới viếng, chỉ tính riêng trong tháng 10 năm 2015 ước được 74000 lượt người.

Vũng Chùa – Đảo Yến – Nơi yên nghỉ của Đại tướng

Chùa non – Núi Thần Đinh (Quảng Ninh) tại đây thu hút du khách không chỉ  được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của rừng núi bao la, non nước hữu tình mà nơi đây còn lưu truyền câu chuyện thực hư “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật” chuyện được lưu truyền lại rằng đây là ngọn núi đá vôi cuối cùng trong mạch chạy từ Vân Nam (Trung Quốc) về nước ta trên núi có nhiều hang động, đặc biệt động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào hoặc những cơn gió đi qua làm vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Trong động có nhiều thạch nhũ với nhiều hình dạng có cả dáng tiên, hình Phật. Trên vách núi sừng sững lại có cả giếng nước trong bốn mùa không cạn những người đến thành tâm dâng hương uống nước giếng về sau sẽ gặp nhiều may mắn tránh được những ốm đau bệnh tật chính vì thế lượng khách leo núi Thần Đinh ngày một nhiều chủ yếu là từ các tỉnh phía Nam. Trong những ngày hè, lễ, tết bình quân mỗi ngày có trên 200 khách leo núi Thần Đinh dâng hương đến vãn cảnh chùa Non.

Hang Tám Cô nằm ở km 16 + 500 trên cung đường 20- một phần của đường Trường Sơn huyền thoại (trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Bố Trạch),  được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1986. Hang tám cô – một địa danh linh thiêng, chứa đựng câu chuyện chiến tranh bi tráng… không chỉ người Việt Nam mà có rất nhiều du khách nước ngoài mỗi dịp lễ trọng Lễ tết thường đến thắp hương tưởng nhớ tri ân những người hi sinh vì nước vừa là để cầu may cho gia đình.

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Đèo Ngang nằm trong cụm di tích-danh thắng Đèo Ngang (Hoành Sơn Quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, Hòn La…). Đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.  Tại đây hằng năm cũng thu hút khách thập phương đến viếng, thắp hương cầu nguyện. Đền thờ là minh chứng cho sự tích Công chúa Liễu Hạnh tại Đèo Ngang, trong truyền thuyết đã có từ xa xưa đây là điểm thờ Mẫu – một tín ngưỡng tốt đẹp, thể hiện đạo lý của người dân Việt Nam là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại hằn sâu trong ký ức những người lính Trường Sơn về sự hy sinh của hai tập thể lực lượng thanh niên xung phong quê ở Nghệ An và Thái Bình. Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công. Đền nằm trên ngọn đồi cao, với diện tích hơn 1.600m2, trước đền có dòng sông Long Đại chảy qua. Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sỹ trên đường Trường Sơn mà còn là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn để du khách thăm viếng, dâng hương khi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa phận Quảng Bình.

Bên cạnh đó, nhiều lễ hội truyền thống cũng thu hút lượng khách du lịch Quảng Bình nội tỉnh rất lớn như Lễ hội đua thuyền Tết độc lập 2-9, con thuyền gắn bó với sinh hoạt; đời sống; phong tục lễ hội của người dân Việt ta từ xưa đến nay như thường lệ cứ đến ngày Quốc khánh 2- 9 người dân huyện lúa Lệ Thủy lại tưng bừng tổ chức lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang hàng ngàn du khách và người dân địa phương lại nô nức đổ về đây. Lễ hội đập trống của người Ma Coong, đã được Bộ Văn hóa – thông tin đưa vào danh sách chín lễ hội dân gian quốc gia được phục hồi từ năm 2007, lễ hội thường được tổ chức mỗi năm một lần tại bản Cà Roòng xã Thượng Trạch (Bố Trạch) sau Tết Nguyên đán (16 âm lịch)  đây là một lễ hội giàu tính bản địa với ý nghĩa sâu sắc là sự cầu may, cầu sức mạnh, cầu vượt qua tai hoạ, cầu sự phù hộ chung của Trời – Đất cho người dân tộc khắp mọi nơi, điều đặc biệt là sau một năm chờ đợi, đây cũng là đêm mà giới hạn của mọi thứ lễ giáo trong đời sống tình cảm con người được tháo gỡ và thăng hoa không có sự ràng buộc, nét văn hoá độc đáo và đầy bí ẩn của tộc ít người ở phía Tây Quảng Bình hiện đang hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với lễ hội ngày càng đông. Lễ hội rằm tháng Ba của người Nguồn (Minh Hoá), vào ngày 16 tháng 3 âm lịch tất cả mọi nhà của người Nguồn đều làm cỗ bàn, xôi thịt cúng ông bà tổ tiên và từ rất sớm họ đến thác bụt, lên chù cúng bụt cầu tài, cầu lộc cho mọi nhà yên vui, thịnh vượng, đã có hàng ngàn du khách về đây xem văn nghệ, thi tài nấu nướng… cùng hoà mình trong không khí náo nhiệt của lễ hội. Ngoài các lễ hội trên còn có rất nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ hội Đền Nghe, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội cầu Mùa, Lễ hội múa bông chèo cạn…Đến với những điểm du lịch và không gian lễ hội này,du khách không chỉ coi đây là một cuộc thưởng ngoạn về cảnh cảnh sắc thiên nhiên, sông nước mà còn là cơ hội để họ tìm hiểu về ý nghĩa văn hoá, lịch sử, tâm linh của người Quảng Bình xưa và nay; thành kính dâng hương để bày tỏ tấm lòng của mình; hoặc hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội…đặc biệt đối với du khách nước ngoài vốn có nền văn hoá khác biệt thì những chuyến du lịch văn hoá mang sắc thái tâm linh này chính là những trải nghiệm của họ về văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và con người Quảng Bình nói riêng…

Sức bật của nền văn hoá truyền thống chính là thế mạnh đầy tiềm năng để ngành du lịch tỉnh ta đẩy mạnh khai thác du lịch văn hoá tâm linh. Có thể nói, những giá trị văn hoá to lớn của hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, tâm linh trên địa bàn chính là lợi thế lớn để ngành du lịch tỉnh ta khai thác một cách triệt để và hiệu quả tiềm năng của loại hình du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh. Chính vì vậy mỗi độ xuân về, số lượng lớn du khách trong nước và khách quốc tế lại nô nức về tham quan, trẩy hội góp phần thúc đẩy ngành du lịch tỉnh ta ngày một phát triển. Những điểm du lịch văn hoá tâm linh thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh ta phải kể đến là Vũng Chùa – đảo Yến, Hang Tám cô, Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, Chùa Non – Núi Thần Đinh…Trong 10 tháng năm 2015 Quảng Bình ước đón khoảng 2,583,620 lượt khách tham quan du lịch, riêng lượng khách tâm linh ước khoảng 1,491,058 lượt.

Để phát triển du lịch văn hoá tâm linh, trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh ta đã thực hiện nhiều dự án trùng tu tôn tạo lại các khu di tích lịch sử như Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, Hang Tám cô, Đền thờ công chúa Liễu Hạnh,…Một số nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã đến tìm hiểu, nghiên cứu di tích núi chùa Non – núi Thần Đinh để lập dự án đầu tư phát triển du lịch tâm linh, sinh thái; đồng thời tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (chủ yếu đường lên núi Thần Đinh) khu vực chùa Non – núi Thần Đinh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã đưa những điểm du lịch văn hoá tâm linh vào các tour du lịch trong phạm vi nội tỉnh như tour Viếng mộ Đại tướng – Phong Nha – Thiên Đường; Đồng Hới – nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp – núi Thần Đinh; Đồng Hới – đền thờ công chúa Liễu Hạnh – Đá Nhảy; Đồng Hới – Động Phong Nha – Hang Tám cô – suối nước Moọc; Đồng Hới -cầu Long Đại – Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh – nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tuyến du lịch Sun Spa Resort – Động Thiên Đường – Hang Tám cô… hoặc kết hợp với các tỉnh lân cận như tour Viếng mộ Đại tướng – Di sản miền Trung; Đồng Hới – Nghĩa trang Trường Sơn – thành cổ Quảng Trị; tour Đà Nẵng – Huế – Phong Nha…

Tuy nhiên nhìn một cách toàn diện, tiềm năng du lịch văn hoá tâm linh của tỉnh ta vẫn đang còn rất mới. Để từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có du lịch văn hoá tâm linh  đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch, chúng ta cần có một giải pháp tổng thể quy hoạch tầm nhìn dài hạn, thi hành những chính sách cụ thể và hợp lý phát triển du lịch Quảng Bình. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách khai thác hợp lý, hiệu quả lợi thế của du lịch sinh thái – văn hoá tâm linh.. để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các điểm du lịch tâm linh trên các phương tiện truyền thông như đài báo, hoặc biên soạn các ấn phẩm du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch trong nước và quốc tế, gắn kết các loại hình du lịch để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách. Một điểm nữa là cần chủ động và tích cực tăng cường hợp tác du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước để vừa quảng bá cho ngành du lịch tỉnh nhà, vừa đúc rút những kinh nghiệm để từng bước phát triển du lịch của tỉnh.

Theo Tạp chí Văn hóa

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour