Vấn đề liên kết giữa làng nghề truyền thống và doanh nghiệp lữ hành du lịch để phát triển bền vững.


Đi tìm sản phẩm đặc trưng
Trong khi các công ty lữ hành du lịch lịch tỉnh ta luôn lo lắng tìm cách đa dạng sản phẩm vì thiếu điểm đến cho du khách trong hành trình tour, thì các làng nghề – nơi được đánh giá là đầy tiềm năng để phát triển du lịch lại đang không có khách tham quan. Vì vậy, Hội Thảo về Doanh nghiệp lữ hành với làng nghề truyền thống và sản phẩm địa phương phục vụ du lịch năm 2013 vừa được tổ chức tại thành phố Đồng Hới, được coi là bước khai màn, nhằm tìm ra giải pháp, để làm sao giữa du lịch và làng nghề tìm được tiếng nói chung, tương tác hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững.

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 14.691 cơ sở ngành nghề nông thôn bao gồm cả 24 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng gần 46.500 lao động. Các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn chủ yếu sản xuất các mặt hàng truyền thống có thể cạnh tranh trên thị trường như rượu, mây tre đan, chiếu cói, nón lá, nước mắm… Tuy nhiên, việc kết nối giữa các làng nghề với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành thì hầu như chưa làm được.

Có một thực tế là hiện nay sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ cho du lịch đang rất khan hiếm nếu như không muốn nói là chưa có. Tại Hội Thảo về Doanh nghiệp lữ hành với làng nghề truyền thống và sản phẩm địa phương phục vụ du lịch. Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái đã đưa ra một thông tin khiến nhiều đại biểu phải suy nghĩ, là Quảng Bình chưa có sản phẩm truyền thống đặc trưng làm quà tặng cho du khách, ngoại trừ một món quà quê dân dã đó là khoai deo. Nhưng khoai deo chỉ là món ăn chơi chứ không thể lấy làm quà tặng cho các đoàn khách quan trọng được. Đây chính là một thực tế đáng buồn mà ngành du lịch cũng như tỉnh ta loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra lời giải. Việc phát triển làng nghề cũng như tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng văn hóa vùng miền đang được các cấp các ngành quan tâm. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giải bài toán đầu ra cho các sản phẩm thủ công truyền thống như tập trung đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nghiệp vụ, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục truyền, dạy nghề, tham gia quảng bá sản phẩm, trình diễn khả năng tay nghề, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế…. Nhưng việc chọn ra được một sản phẩm đồ lưu niệm đặc trưng của vùng đất gió lào cát trắng, để chỉ cần nói đến Quảng Bình là du khách nhớ ngay đến thì chúng ta vẫn chưa làm được. Một số làng nghề có thương hiệu lâu năm như: Thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy sản xuất Rượu, Làng Mai Hồng, xã Đồng Trạch với nghề rèn đúc, thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ với nghề đan lát, làng Hạ Thôn xã Quảng Tân với nghề làm nón lá… cũng mới chỉ quan tâm đến thị trường đầu ra, còn tạo sản phẩm thu hút khách du lịch đến với làng nghề thì hầu như chưa ai nghĩ đến.

Một nguyên nhân nữa khiến cho các sản phẩm thủ công truyền thống không thể cạnh tranh hay phát huy được thế mạnh của mình để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhất là dành cho khách du lịch đó là do mẫu mã. Hiện nay tất cả những người làm ra mẫu của các làng nghề toàn là các nghệ nhân dân gian, hoặc chưa được đào tạo qua trường lớp mà chỉ làm theo kinh nghiệm nên mẫu mã vẫn còn hạn chế, cứ lặp đi lặp lại. Có sản phẩm Khoai deo thì quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì vẫn còn quá đơn giản.

Đi tìm tiếng nói chung
Câu chuyện tìm “tiếng nói chung” giữa ngành du lịch và các làng nghề để cả hai cùng hổ trợ, cùng phát triển không phải là vấn đề mới, nhiều ý kiến tại nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề, nhưng tìm giải pháp để liên kết giữa làng nghề truyền thống và doanh nghiệp lữ hành du lịch thì hầu như chưa ai đề cập đến. Thành ra vẫn … du lịch một đằng, làng nghề một nẻo. Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái cho rằng sự phát triển của du lịch đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho các làng nghề truyền thống nếu biết gắn kết làng nghề với du lịch. Còn ông Nguyễn Văn Thành – Tổng thư ký hiệp hội du lịch Quảng Bình thừa nhận, chúng ta chưa có tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng hầu như không có. Có chăng chỉ là sự nhanh nhạy thức thời của một vài công ty lữ hành khi đưa thêm vào tour du lịch của mình những chương trình tham quan làng nghề mà thôi. Nhìn về phía làng nghề, ông Lê Thế Lực – Giám đốc Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng Mê Kông thì cho rằng hầu hết làng nghề hiện nay đều đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông. Làng nghề chưa được đầu tư chiều sâu cho cách làm du lịch, người làng nghề chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Thế nên, sự đầu tư của làng nghề cho việc phát triển du lịch cũng chưa có, sản phẩm làng nghề đơn điệu và kém hấp dẫn du khách.

Trong nổ lực hỗ trợ các cộng đồng dân tộc ít người ở các bản thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng và một số vùng phụ cận từ năm 2010 đến nay. Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng Mê Kông và hợp phần GIZ của dự án Bảo tồn Phong Nha – Kẻ Bàng đã có những cố gắng nhằm giúp bà con các dân tộc nơi đây khôi phục các nghề truyền thống của mình. Nhất là nghề đan lát truyền thống, đồng thời gắn kết với việc phát triển du lịch, nhưng cho dù việc làm này được nhắc đến như một lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch hoạt động của những người làm dự án, thì một khi những cái thiếu vẫn còn vẹn nguyên ở làng nghề, những sự đầu tư về nhân lực, định hướng phát triển, những hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề vẫn chưa được khơi dậy từ ngành du lịch và từ chính làng nghề, thì cầu nối giữa du lịch và làng nghề vẫn là con số không tròn trĩnh. Là người từng được đến các làng nghề chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp ở nhiều nước trên thế giới, ông Lê Thế Lực đã nghĩ đến một tổ hợp liên kết giữa trình diễn cách làm sản phẩm làng nghề, bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ kết hợp với các dịch vụ giới thiệu ẩm thực… Tuy nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng, còn điều kiện cần và đủ để một tổ hợp làng nghề trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thì cần có những cách làm bài bản, đồng bộ cùng với những tâm huyết và trách nhiệm của cả chính quyền địa phương lẫn cơ quan quản lý du lịch.

May Tre Dan
may tre dan

Đi tìm giải pháp kết nối
Tìm hướng thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề là nỗi niềm mà các nhà quản lý của các ngành, địa phương và đặc biệt là các công ty lữ hành du lịch đều mong muốn. Tuy nhiên, cuộc hội thảo mới đây về vấn đề này cũng chưa đạt được bước tiến nào đáng kể. Chưa có giải pháp đột phá, sáng tạo nào đóng góp cho du lịch làng nghề. Nói về nguyên nhân của điều này theo TS. Nguyễn Khắc Thái để tìm được giải pháp trước hết các cơ quan chức năng cần tổ chức một số cuộc điều tra, khảo sát về ý kiến du khách đối với hoạt động du lịch của các làng nghề, và ngược lại sự sẵn sàng của các làng nghề phục vụ, liên kết với du lịch, từ đó chúng ta mới biết nhu cầu thật sự của du khách là gì và khả năng đáp ứng của làng nghề đến đâu. Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Thành – Tổng thư ký hiệp hội du lịch Quảng Bình, yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến với các làng nghề là vấn đề môi trường. Phát triển, quảng bá làng nghề với du lịch, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân. Để khi các công ty lữ hành đưa vào tour du lịch thì có thể phát triển được. Vì dù sao các công ty lữ hành cũng xác định yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh là yếu tố mấu chốt, nếu không có lợi nhuận thì các công ty lữ hành cũng sẽ khó thực hiện được.

Hiện nay khách du lịch đến làng nghề không chỉ để ngắm nhìn, tham quan mà họ ham muốn được tham gia, học kỹ năng làm nghề và muốn tự tay tạo ra sản phẩm. Để đáp ứng được nhu cầu này, các làng nghề phải có đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm, giữ được nghệ nhân, thợ giỏi nghề, giữ lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ, sưu tầm các sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề, có phòng trưng bày để khách có thể chọn cho mình sản phẩm làng nghề ứng ý. Để làm được những việc đó, ngoài chủ trương, chính sách và thậm chí sự hổ trợ một phần vốn, hướng dẫn kỷ thuật của các cấp chính quyền, thì không ai khác mà chính là làng nghề và người dân ở làng nghề là yếu tố quyết định nhất.

Đã có vài doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ta đã nhen nhóm ứng dụng một hướng đi mới có tính thực tế cao đối với việc phát triển làng nghề là lồng ghép vào các hình thức lưu trú như homestay hay farmstay. Khách du lịch sẽ cùng ăn, cùng ở với những người dân lao động, vừa được hưởng trọn vẹn không gian của làng quê lại có điều kiện tìm hiểu nét văn hóa lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống lao động của người dân. Cùng người dân lao động, làm các công việc trong làng. Như vậy vừa tạo được sự đa dạng trong hành trình tour, tạo được sự tò mò, gây ấn tượng cho du khách đồng thời tăng thu nhập tối đa cho người dân địa phương. Khuyến khích người dân chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch, bởi chính họ mới là những người am hiểu văn hóa bản địa nhất nhất.
Hiện nay kinh tế làng nghề có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần hạn chế các vấn đề xã hội tiêu cực khác, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch… Nếu sự kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành du lịch với làng nghề thực hiện được thì sự hỗ trợ, tương tác sẽ giúp cho không chỉ làng nghề phát triển bền vững, mà du lịch lữ hành cũng sẽ có những khởi sắc hơn lên.

Bài dự thi viết về Du lịch Quảng Bình
Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour