Tiếp tục quảng bá sự kỳ diệu của Phong Nha – Kẻ Bàng


Nhân dịp 10 năm (2003-2013) Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

– PV: Thưa đồng chí Chủ tịch, đã 10 năm qua, kể từ ngày Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật mà Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã đạt được?

– Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài:

Ngày 05/7/2003, tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 diễn ra tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới về tiêu chí địa chất, địa mạo. Sự kiện này là dấu mốc rất quan trọng, từ đây, nhân loại biết đến Phong Nha – Kẻ Bàng, biết đến Quảng Bình với tư cách là địa phương sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới. Đến nay, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tròn 10 năm được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Trong 10 năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, dù rằng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sức ép của công tác bảo vệ rừng đặc dụng. Công tác nghiên cứu khoa học đã được chú trọng, các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã công bố danh mục thực vật với gần 2.700 loài thực vật bậc cao có mạch, trên 800 loài động vật có xương sống, 400 loài động vật không xương sống và nhiều loài chim, bò sát lưỡng cư…

du lich quang binh

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đang giới thiệu sản phẩm Quảng Bình
cho đoàn khách Hãng Hàng không Transasia Airline (Đài Loan).

Chúng ta đã đưa 03 hang động gồm Tiên Sơn, Phong Nha và Thiên Đường vào phục vụ du lịch nhưng luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ nhằm tránh ảnh hưởng đến các giá trị di sản. Hệ thống gần 300 hang động trải rộng trên địa bàn Vườn đang được quản lý, bảo vệ chặt chẽ nhằm gìn giữ sự nguyên vẹn di sản. Công tác bảo vệ đa dạng sinh học cũng được tiến hành thường xuyên, trong những năm qua, độ che phủ rừng của Quảng Bình ngày càng tăng và đến cuối năm 2012, tỷ lệ này đạt 70%, đứng đầu toàn quốc, trong đó có vai trò của rừng ở Phong Nha – Kẻ Bàng và vùng đệm. Qua các kỳ họp thường niên, UNESCO đều đánh giá là chúng ta bảo vệ tốt di sản.

Trên lĩnh vực phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động du lịch, có thể nói thương hiệu du lịch hang động đã trở thành nét đặc trưng riêng có của du lịch Quảng Bình nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung. Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh đã đánh giá Quảng Bình là “địa phương có hệ thống hang động mang giá trị hàng đầu thế giới” với những vẻ đẹp và giá trị độc đáo đã được thế giới công nhận như sông ngầm đẹp nhất; bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất; động khô dài có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất… Phát huy thế mạnh này, Quy hoạch phát triển du lịch bền vững Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt; đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, lộ trình phát triển du lịch trong Vườn quốc gia; mở rộng và đa dạng các loại hình du lịch như thám hiểm, sinh thái, cảnh quan… nhằm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Lượng khách du lịch đến Phong Nha – Kẻ Bàng tăng bình quân 24%/năm với tổng lượng khách 10 năm đạt gần 4 triệu lượt; tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động, từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Quảng Bình đã thực sự là điểm đến của du khách mà Phong Nha – Kẻ Bàng là “trái tim” của ngành Du lịch.

– PV: Để VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nâng cao tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế, tỉnh ta cần tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề gì, thưa đồng chí?

– Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài:

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là tăng cường phát triển các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho hoạt động bảo tồn di sản. Và thông qua các tổ chức này để không ngừng quảng bá, thúc đẩy sự đồng thuận quốc tế cho Hồ sơ Di sản thế giới của Phong Nha – Kẻ Bàng về tiêu chí đa dạng sinh học.

Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ thống hang động bí hiểm, còn ẩn chứa “những điều kỳ diệu trong lòng đất”, việc khám phá mới chỉ bắt đầu; đồng thời có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học và đang được kỳ vọng là mái nhà chung của muôn loài, là nơi lưu giữ những gì mà nhân loại ngỡ là đã biến mất. Bởi trong một thời gian ngắn, ở Phong Nha- Kẻ Bàng các nhà khoa học đã liên tiếp phát hiện ra những bí mật của thế giới động, thực vật, những loài mới như tắc kè Phong Nha, rắn lục đầu sừng, rắn lục Trường Sơn, lan hài… Có thể nói rằng, Phong Nha – Kẻ Bàng là kho báu của các nhà khoa học. Chính vì vậy, việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, các nhà khoa học quốc tế nhằm đẩy mạnh việc tìm kiếm, khám phá những điều kỳ diệu của thiên nhiên hoang dã nơi đây là vô cùng quan trọng để nâng tầm ảnh hưởng của Phong Nha – Kẻ Bàng ra thế giới.

Thác Gió Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: VĂN THÁI

Đối với việc tiếp tục quảng bá và đưa vào khai thác tuyến du lịch khám phá hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, dự kiến vào cuối năm 2014 sẽ được đưa vào thử nghiệm. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn đối với ngành Du lịch Quảng Bình, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh không chỉ trên thị trường trong nước, khu vực mà trên thế giới của Phong Nha – Kẻ Bàng.

Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá về Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và trên thế giới; tăng cường kết nối với các hãng du lịch lữ hành để thu hút du khách đến với Việt Nam, đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

– PV: Nhằm phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới thông qua các hoạt động du lịch, theo đồng chí cần có những định hướng và giải pháp cơ bản nào trong lĩnh vực này?

– Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài:

Phong Nha – Kẻ Bàng là “trái tim của ngành Du lịch” tỉnh nhà, việc phát huy các giá trị di sản để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai là định hướng cơ bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đặc trưng, đặc sắc của du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, du lịch Quảng Bình đó là du lịch hang động vì Quảng Bình là “Vương quốc hang động”. Vì vậy, định hướng phát triển du lịch hang động sẽ được tổ chức theo nhiều dạng: Du lịch đại trà (như hiện nay), du lịch khám phá (theo kiểu du lịch mạo hiểm đòi hỏi chất lượng khách du lịch cao và chi trả lớn), du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng… Trong đó, du lịch khám phá hang động phải tạo được đẳng cấp quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường, đẩy mạnh công tác an ninh trật tự, an toàn tại các tuyến, điểm tham quan, từng bước xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn.

– PV: Đêm 25-5, tỉnh ta sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận và Di sản thiên nhiên thế giới và Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2013, xin đồng chí cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

– Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài:

Lễ kỷ niệm 10 năm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận và Di sản thiên nhiên thế giới được tổ chức vào đêm 25-5 tại động Thiên Đường và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam. Hoạt động này là điểm nhấn quan trọng nhằm tăng cường công tác tuyên truyền thông điệp bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới; quảng bá về văn hóa, du lịch Quảng Bình và đặc tính nổi trội toàn cầu của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, để cho mọi người biết rõ hơn về sự kỳ diệu của Phong Nha – Kẻ Bàng, thu hút ngày càng nhiều các nhà khoa học, nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phong Nha – Kẻ Bàng, đến với Quảng Bình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng đến việc xây dựng thương hiệu du lịch hang động Quảng Bình thông qua các sự kiện lễ hội văn hóa – du lịch theo hình thức Festival, để lễ hội hang động Quảng Bình trở thành hoạt động du lịch định kỳ như Festival Huế, thi bắn pháo hoa Đà Nẵng…, tạo nên dấu ấn riêng về du lịch Quảng Bình trên con đường Di sản miền Trung.

– P/V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Theo Báo Quảng Bình

 

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour