Quán bên đường gió bụi


Món ngon Quảng Bình- Một địa danh nhỏ nhoi trên đường quốc lộ 1A thiên lý Bắc Nam ở giữa vùng đất Quảng Bình – Quảng Trị mịt mù gió bụi…, vậy mà ai ngược Bắc xuôi Nam đã ghé một lần thì khó có thể quên: Bàu Sen.
Đấy là địa phận xã Sen Thủy, cực nam Quảng Bình giáp với cực bắc Quảng Trị: ngày xưa có tên gọi truông nhà Hồ. Thấy cái bàu rộng, nằm sát mép biển mà lại đầy nước ngọt, khi chưa có hàng quán tài xế đường dài ngang đây cũng dừng lại hít căng lồng ngực cái vị biển chỉ cách một bờ cát nhỏ, thế là mấy anh em trong thôn rủ nhau ra dựng quán: quán TâmKm710, quán Thanh Xuân, quán Châu, quán Minh…

Dọc dài ven quốc lộ 1 nhiều vùng phong cảnh đẹp hơn, hữu tình hơn, có rất nhiều hàng quán nhưng không ít nơi chốn chỉ một thời gian đã thoát xác, như cô gái quê lên phố, để đua chen kịp nhịp thị thành phải se sua son phấn, cái quán nghèo hôm qua chỉ sau vài năm phát tài đã lô nhô tầng cao chóp nhọn, em út thơm phức, dĩ nhiên giá cả cũng leo theo tốc độ ấy chứ không như thuở quán nghèo. Riêng những cái quán ở Bàu Sen này thì thật lạ: mười năm có hơn, vậy mà vẫn cái quán loi thoi trên mặt nước bàu ấy, vẫn cột kèo nham nhở thô mộc, võng gai chiếu cói cho khách ngồi và hấp dẫn nhất có lẽ là hai đặc sản: cá tươi và gà nạc mà mười năm rồi chất lượng không đổi: ngon và rẻ!
Đặc sản quảng bình
Vào bất kỳ quán nào cũng sẽ thấy chủ quán “trống” (nhốt) cá ở ngay dưới lòng hồ (bàu nước) tươi nguyên. Khách xem chủ kéo cá lên, chỉ con nào chủ bắt ngay con cá ấy cho khách, muốn hấp, nấu cháo… làm gì tùy khách. Nhìn cách nấu nướng của chủ quán cũng thấy ngay rất là chân quê, không có phong cách của kỹ nghệ hàng quán.

Căn bếp ám khói, nồi chảo cũng vênh váo nhưng mà khi cá kia đã vào nồi thì chỉ thấy một mùi thơm điếc mũi bay lên. Cá của ngư dân trong vùng đánh bắt được mua về đem nhốt vào lồng sắt hay bao lưới thả xuống hồ, muốn nuôi mấy ngày cũng được. Cá tươi đã đành vì quán mọc ngay trên hồ, nhưng gà ngon mới là chuyện lạ. Không gì buồn hơn khi đang thèm thịt gà mùa… cúm gà mà nhai phải thịt gà công nghiệp!

Con gà thịt của các quán xá Bàu Sen này được nuôi ở làng, kiếm ăn nhờ vào hạt thóc lép của ruộng nghèo quê cát nên chậm lớn, gọi là gà kiến, gà cỏ, gà quê… gì cũng được nhưng chắc chắn là ngon gấp bội gà công nghiệp.
Quán ngon Quảng Bình
Tâm Km710

Cá tươi tận cùng tươi, gà thơm tận cùng thơm, ăn ở Bàu Sen hình như không có món nào cầu kỳ, món nào cũng cực kỳ giản dị. Gà hay cá gì cũng mấy món luộc hấp, thế mà không đơn điệu. Chẳng có gì thú vị hơn ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu giữa quán, gió thổi ù ù qua vai, tô cháo cá cay xé lưỡi, trán rịn mồ hôi đợi cơn gió ào qua mặt nước bàu lùa vào mơn man lau khô. Một chút rượu trắng giãn gân cốt cho dặm trường gió bụi… Mà hình như cái khung cảnh này, trời nước này, cái sự giản đơn chính là sự tương hợp và bao giờ cũng vậy sự hợp lý ấy khiến người ta dễ chịu.

Quán xá liêu xiêu, hàng quán không đãi bôi cầu kỳ, chủ quán thật lòng như vậy khiến khách ghé quán tự nhiên thấy thèm một cái gì tận cùng của đơn giản, không đơn thuần là một bữa ăn ngon, một vài giờ ngồi nghỉ giữa độ đường mà chính là để người ta tìm lại một cái gì đó đã từng đi qua trong đời và đã lâu không gặp lại.

Bàu Sen là vậy, tận cùng của giản đơn và nhờ vậy mà nó hấp dẫn khách dặm trường bằng một lối rất riêng. Giả sử thay những lều quán rất Lương Sơn Bạc ấy bằng nhà cao cửa rộng, bóng loáng gạch men, mắt xanh tóc vàng chanh thì chắc chả để ấn tượng cho người ta đến vậy.

Và cũng tình cờ tôi biết thêm một điều như một huyền thoại thú vị về Bàu Sen… Hóa ra sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đã chép về kênh Sen từ Bàu Sen này tròn 600 năm trước. Kênh Sen bắt đầu từ Lộc Đình, vòng qua quan lộ, thẳng vào Bàu Sen, đến Hạ Cờ (Vĩnh Chấp – Vĩnh Linh ngày nay).

Thuở ấy đào đến Bàu Sen thường bị một khúc cát lồi đùn lên từ lòng đất, kênh đào xong một thời gian ngắn thì bị lấp cạn. Và từ khúc cát lồi của Bàu Sen mà có truyền thuyết rằng khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành vào đây đã hạ lệnh cho dân sở tại đào kênh cho tiện đường chuyên chở. Bấy giờ lý trưởng làng Thủy Liên (Bàu Sen bây giờ) là ông Mai Văn Bản tâu với vua: “Chỗ này nhiều cát lồi, nếu đào xong rồi cũng bị cát lấp, nhọc sức dân mà sông cũng không còn…”.

Vua cả giận cho là ông làm nản lòng dân, đưa ông ra xử trảm. Khi vua đánh Chiêm Thành xong quay về ngang đó thấy sông bị lấp cạn, phải bỏ ghe thuyền, quan quân lên bộ ra Bắc, đến chỗ ông lý trưởng làng Thủy Liên quì tâu vua hôm trước chợt cả đoàn 24 thớt voi ngự nhất loạt cắm ngà xuống đất, rống lên không chịu đi. Dân trong vùng cho là do ông Mai Văn Bản bị hàm oan, vua bèn minh oan cho ông, phong làm Thành hoàng bổn thổ và cho lập miếu thờ.

Câu chuyện này tôi được nghe cụ Nguyễn Tú, một nhà Quảng Bình học, kể lại. Trong câu chuyện ấy hình như có câu trả lời cho những vẻ riêng đượm chất ngang tàng khí khái trong bao nhiêu hàng quán gió bụi Bàu Sen…

Vào Quảng Bình quý khách có thể thưởng thức đặc sản ở các quán TÂM KM710( 0523.953.172,0523605007)  Quán ThanhXuan (0523.953.169)…

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour