Kỳ 2: Hướng đi đã mở


Du lịch Quảng Bình – Ngày 12-8-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1928/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu chung là đưa Quảng Bình trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương…

Các hạng mục ưu tiên

Con số dự kiến đầu tư cho các hạng mục ưu tiên để phát triển du lịch từ nay đến năm 2025 là 538 triệu USD, trong đó tập trung đầu tư cho lĩnh vực nâng cấp hạ tầng và xây dựng các khu du lịch chiếm 392 triệu USD, bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử cách mạng 123,5 triệu USD…

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, để du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, tỉnh chủ trương đầu tư một cách toàn diện, nhưng du lịch hang động vẫn là trọng tâm. Muốn khai thác tốt tiềm năng du lịch nói chung và hệ thống hang động nói riêng, cần phải có sự đầu tư. Và đầu tư cho du lịch hang động còn mang ý nghĩa bảo tồn, góp phần phát triển du lịch một cách bền vững. Cùng với phát triển du lịch hang động, các mảng du lịch tâm linh, lịch sử, nhân văn… tiếp tục được ưu tiên đầu tư nhằm khai thác tối đa hiệu quả những tiềm năng thế mạnh mà thiên nhiên và cuộc sống đã ưu ái cho quê hương.

Như vậy, lộ trình phát triển du lịch đã mở với những con số ấn tượng và quyết tâm cao của tỉnh. Nhưng với tiềm năng thế mạnh sẵn có, liệu đến năm 2025, chúng ta có thể đạt được mục tiêu đưa du lịch Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam?

Đâu là lực cản?

Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, bức tranh với nhiều gam màu ảm đạm của du lịch tỉnh ta phần lớn bắt nguồn từ quá trình lựa chọn đối tác đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch.

lop tap huan huong dan vien du lich

Thứ nhất là về việc lựa chọn đối tác đầu tư. Từ bài học về suối Bang với Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, Khu du lịch sinh thái Đá Nhảy của Công ty TNHH Hoàn Cầu II và trước đó là Công ty phát triển văn minh đô thị (Cividec) với dự án Khu nghỉ mát và giải trí Phong Nha – Kẻ Bàng, khách sạn Phong Nha với Tập đoàn Vinashin…, có thể thấy rõ việc lựa chọn đối tác đầu tư có tác động quan trọng như thế nào đối với bức tranh du lịch tỉnh nhà. Những dự án dang dở này đã kéo lùi hành trình phát triển du lịch của tỉnh. Mặc dù tỉnh đã có những động thái khá quyết liệt đối với các nhà đầu tư không giữ đúng cam kết này, nhưng diện mạo du lịch tỉnh nhà đã trở nên bề bộn hơn sau những lựa chọn thiếu chính xác ấy…

Và đến thời điểm này, tỉnh ta chưa có bất cứ một doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Phân tích về nguyên nhân này, không ít người cho rằng, môi trường đầu tư của chúng ta chưa thực sự tốt. Bên cạnh một số doanh nghiệp đầu tư kiểu “đầu voi đuôi chuột” kể trên, có thể khẳng định rằng, với những tiềm năng thế mạnh của địa phương, có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có thực lực, tiềm năng và tâm huyết, sẵn sàng đầu tư vào tỉnh ta. Thế nhưng họ đã gặp phải những lực cản vô hình trong quá trình tiến hành các thủ tục đầu tư.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều năm liền, chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) của tỉnh ta luôn xếp hạng thấp, đứng sau các tỉnh trong khu vực như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… Trong đó, các chỉ số thành phần như chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… gần như xếp chót bảng Preview trong hệ thống 11 tỉnh duyên hải khu vực miền Trung. Môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và đầu tư cho lĩnh vực du lịch nói riêng kém hiệu quả đã dẫn đến những hạn chế trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.

Thứ hai là nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kỳ cho rằng, với đặc điểm của một tỉnh được tái lập chưa lâu, nguồn nhân lực phục vụ du lịch tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Bên cạnh con số khiêm tốn của nguồn nhân lực phục vụ du lịch đã qua đào tạo, chuyện một người nông dân vừa rời tay cày, hay một người vừa tham gia xuất khẩu lao động trở về, chuyển ngay sang làm du lịch là điều không hiếm.

Có thể nói, nguồn nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vẫn ở trong tình trạng “thừa mà thiếu”. Cụ thể là thừa nhân lực “tay ngang” nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay…

Xác định trọng tâm…

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng, thực lực và tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực du lịch vẫn là hướng đi đúng trong hiện tại và tương lai. Con số 538 triệu USD đầu tư cho du lịch từ nay đến năm 2025 chưa chắc đã mang lại hiệu quả nếu các thủ tục hành chính vẫn rườm rà với kiểu “một cửa nhiều ổ khóa” như hiện nay.

Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch là hướng đi bền vững trong phát triển du lịch. Trên thực tế, một doanh nghiệp có thể bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nhưng lại “tiếc” vài chục triệu đồng dành cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thế Lực, Giám đốc Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông, cho biết: Với cách tiếp cận của dự án, nguồn nhân lực phục vụ du lịch được chia thành hai nhóm chính, thứ nhất là nhân lực chuyên nghiệp (phục vụ trong hệ thống các doanh nghiệp, nhà hàng…), thứ hai là nguồn nhân lực du lịch cộng đồng.

Thời gian qua, trong khuôn khổ các hoạt động của mình, dự án đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tiến hành đào tạo 18 lớp với gần 600 học viên về kỹ năng quản lý nhà hàng, khách sạn, phục vụ buồng, phòng, đào tạo ngoại ngữ, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong du lịch, nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng… “Dù là nhân lực chuyên nghiệp hay nhân lực cộng đồng, đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tiềm năng du lịch của địa phương. Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững, nhân tố con người cần phải được chú trọng và quan tâm đầu tư…”, ông Lực khẳng định.

Hy vọng rằng, với lộ trình đã mở và những bài học kinh nghiệm đắt giá cùng những cách thức tiếp cận phù hợp, du lịch tỉnh ta sẽ có bước đột phá sau giấc “ngủ đông” khá dài và khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

   Ngọc Mai

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour