Khu tưởng niệm TNXP C283


Khu tưởng niệm Đại đội TNXP C283 tại Quảng Bình được xây dựng với diện tích 9.942 m2 ngay sát trên đường quốc lộ 1A, gồm các hạng mục: Đền tưởng niệm, đài tưởng niệm, hồ nước, cổng chính, sân hành lễ, khuôn viên cây xanh… Nhìn tổng thế, khu tưởng niệm trang trọng, hài hòa về cảnh quan tự nhiên, đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, phong thủy và phong tục địa phương, được nhân dân đánh giá cao.

Khu tưởng niệm thanh niên xung phong C238
Khu tưởng niệm thanh niên xung phong C238

Hiện nay đội C283 vẫn còn gần 200 thành viên sinh sống ở Hải Dương và Hưng Yên. Cũng theo lời Bác Lê Tuấn Kéo – nguyên Bí thư chi bộ của đội: “Trong lịch sử TNXP Việt Nam, các đội TNXP thường có địa bàn hoạt động trên các tuyến đường bộ, chỉ có Đội TNXP 283 của chúng tôi là hoạt động trên biển: vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá từ các tàu quốc tế cập bến ở đảo Hòn La vào đất liền”. Khu tưởng niệm TNXP C283 còn có thêm điều đặc biệt ấy. Cùng với các Khu di tích lịch sử quốc gia Ga Lưu xá (Thái Nguyên), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), Khu tưởng niệm Hang Tám cô và TNXP C283 thôn Quyết Thắng là những địa chỉ tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của TNXP Việt Nam.

NHỮNG CON SỐ 3 TRƯỚC NGƯỠNG CỬA HOÀ BÌNH

Đầu năm 2023, nước ta đã kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris và 50 năm hoà bình lập lại ở miền Bắc. Đồng thời với sự kiện đó, nhiều nơi cũng đã tưởng nhớ đến những đau thương, mất mát trước ngưỡng cửa hoà bình. Từ chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12/1972 ở Hà Nội, đến trận B52 ngày 7/1/1973 ở lòng Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) và sự kiện bi thương nhất là vụ thảm sát do máy bay F111 của đế quốc Mỹ gây ra vào ngày 13/1/1973 ở Thôn Quyết Thắng, xã Thanh trạch, Huyện Bố trạch, Tỉnh Quảng Bình – ba ngày trước khi lệnh ngừng bắn được thực thi. Trong trận bom gần như cuối cùng đó, 156 TNXP thuộc các đơn vị: TNXP 283 Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên), TNXP Cù Chính Lan Nghệ An, công nhân Cảng Gianh, Binh trạm 16 bộ đội xăng dầu, bộ đội thông tin và nhân dân xã Thanh Trạch đã bị giết hại.

QUÂN SỐ TRÙNG VỚI PHIÊN HIỆU ĐƠN VỊ

Vào mùa hè năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục ném bom phá hoại miền Bắc nước ta, hòng ngăn chặn đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, Trung ương có chủ trương tiếp tục thành lập các đội TNXP, nối thông đường huyết mạch Bắc-Nam, góp phần dồn tổng lực đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

Ngày 12/7/1972, thực hiện quyết định của Bộ GTVT, Cục Vận tải đường biển Hải Phòng và Tỉnh Hải Hưng đã giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hải Hưng thành lập đội TNXP có phiên hiệu C283 với kế hoạch tuyển 300 thanh niên trong tỉnh. Theo Bác Lê Tuấn Kéo – cựu TNXP (Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) của đội kể lại, đến ngày hành quân, đơn vị mới chỉ tuyển được 282 thành viên, Cục Vận tải đường biển bổ sung thêm được một thành viên từ Hải phòng lên nữa, nên tổng quân số đạt được 283. Một sự trùng lắp thật hy hữu – phiên hiệu đơn vị C283 trùng với quân số 283 thành viên của đơn vị. Những con số 3 định mệnh sau này có lẽ cũng xuất phát từ sự hy hữu này.

NHỮNG CON SỐ 3 ĐỊNH MỆNH

11 giờ 30 phút ngày 7/8/1972 lễ giao quân đã được tổ chức tại thôn Bối Tượng, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng. Sau 24 ngày đêm hành quân vất vả, vượt qua hơn 500 km với 24 trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, đội C283 đã đến địa điểm tập kết tại xã Thanh Trạch, huyện Bố trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đội TNXP C283 có nhiệm vụ chuyển hàng từ tàu biển lớn đậu ở hòn La (một đảo nhỏ ven bờ biển thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, gần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bây giờ) vào Cảng sông Gianh. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội đã vận chuyển được khoảng 80 nghìn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, khí tài công binh… từ tàu lên ô-tô để chi viện cho miền Nam. Ngoài ra, đội còn đảm nhiệm việc thông đường cho tuyến 2 km trên quốc lộ 1 A. Nhưng rồi định mệnh của những con số 3 đã đến. Ngày 13/1/1973, ba ngày trước khi kết thúc chiến tranh, máy bay địch bắn phá khu vực bến phà và cảng Gianh khá dữ dội. Ngay từ sáng sớm, bom Mỹ đã làm bị thương một số TNXP của đội khi làm nhiệm vụ ở bến phà, phải cấp cứu ở trạm cứu thương dã chiến trong thôn.

Gần trưa, anh chị em TNXP, công nhân cảng, bộ đội xăng dầu Binh trạm 16 đang tranh thủ về thôn Quyết Thắng ăn cơm và chăm sóc, thăm hỏi số TNXP bị thương, thì bất ngờ chưa nghe tiếng máy bay (vì tốc độ máy bay F111 nhanh hơn tốc độ âm thanh) mà tiếng bom nổ đã vang trời. Thôn Quyết Thắng bị nhấn chìm trong biển khói lửa mịt mù, cây cối bị tàn phá tan hoang, xác người chết rải ra khắp nơi, hất lên trên các cành tre trơ trụi lá. Rất nhiều thân thể chết không còn nguyên vẹn. Trận bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 156 người, trong đó có 33 TNXP. Sáu con số 3 mặc dù có chung định mệnh (C283, quân số 283, 33 TNXP hy sinh, ngày 13, năm 1973 và 3 ngày trước khi hoà bình lập lại) nhưng đã ghi lại một huyền thoại bên dòng sông Gianh, góp thêm xương máu cho ngày thống nhất non sông.

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour