Hướng mới trong phát triển du lịch ở Đồng Hới


Du lịch ở Thành phố Đồng Hới được ví là “đi sau về trước”, bởi lẽ du khách mải miết tham quan, khám phá Thiên Đường, Phong Nha… nhưng nơi được chọn để nghỉ dưỡng và thưởng thức các món ăn đặc sản (nôm na gọi là tiêu tiền) thì Thành phố Đồng Hới lại là điểm đến lý tưởng. Địa bàn thành phố chiếm trên 90% cơ sở lưu trú của toàn tỉnh và nơi đây còn những điểm đáng thu hút khách du lịch như bãi tắm trong xanh, sạch đẹp, mua sắm và ẩm thực…

Tuy nhiên, Du lịch Đồng Hới hiện còn rơi vào tình trạng phát triển theo kiểu tự phát và thiếu bền vững. Làm gì để Du lịch Đồng Hới phát triển bền vững, thật sự trở thành ngành công nghiệp không khói mang tính mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là việc chẳng hề dễ dàng.

Thời gian qua, hoạt động trong lĩnh vực Du lịch ở TP.Đồng Hới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng khách đến hằng năm đều tăng và doanh thu ngày càng cao. Theo số liệu thống kê, riêng trong 3 năm 2010-2012, lượng khách DL đến Đồng Hới tăng 148.547 người và doanh thu tăng 45.690 triệu đồng.

Có được những con số ấn tượng đó phải nói đến việc thành phố đã mạnh dạn đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng để phục vụ khai thác Du lịch đi đôi với việc một số khu Du lịch, điểm Du lịchđã được quy hoạch. Cùng với đó, thành phố còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ và các cơ sở kinh doanh tại điểm, khu Du lịch được quy hoạch.

Nhờ vậy, hiện thành phố có 133 cơ sở lưu trú, trong đó có 32 cơ sở đạt 1-2 sao và 5 cơ sở đạt 3-4 sao. Đáng kể, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã đầu tư gần 40 tuyến điện chiếu sáng trong các khu dân cư tập trung ở các xã, phường như: Đồng Mỹ, Hải Thành, Hải Đình… với tổng chiều dài gần 17 km có tổng mức đầu tư khoảng trên 3 tỷ đồng; xây dựng gần 60.000m2 vỉa hè với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng; trồng mới và thay thế khoảng 5 nghìn cây xanh đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 19 tỷ đồng.

Đặc biệt, hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố đã được quan tâm đầu tư và thu hút du khách đến tham quan như: tượng đài Mẹ Suốt, di tích thành Đồng Hới… Bên cạnh đó, thông qua Tuần văn hóa- du lịch Đồng Hới hàng năm, các lễ hội truyền thống như lễ hội bơi trải, lễ hội cầu ngư, múa bông chèo cạn… đã được thành phố đầu tư khôi phục và phát triển nhằm tạo điểm nhấn, ấn tượng đối với du khách.

Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác thì nguồn thu từ ngành Du lịch của Đồng Hới đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố chưa cao và chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng. Hay nói cách khác, Du lịch Đồng Hới đang thiếu sức hút so với các trung tâm Du lịch khác ở các tỉnh lân cận. Ðiều làm cho Du lịch Đồng Hới khó cất cánh, đó là lâu nay, thành phố phát triển Du lịch chưa bền vững, còn mang tính tự phát và tính chất mùa vụ.

Mặt khác, một thực trạng dễ nhận thấy trong phát triển Du lịch ở thành phố chính công tác quy hoạch chưa được địa phương chú trọng đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, cuộc sống người dân. Đó là, tình trạng bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh bị “chia năm xẻ bảy” bởi những quán bán hàng lưu động, nhất là tại tuyến đường Trương Pháp, hay các nhà hàng nổi tại khu vực đầu đường Hương Giang. Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá Du lịch của thành phố còn nhiều hạn chế và thiếu liên kết trong đầu tư.

 Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ hiện đại phục vụ phát triển du lịch TP.Đồng Hới.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ hiện đại phục vụ phát triển du lịch TP.Đồng Hới.

Cụ thể, cứ vào đầu mùa Du lịch , TP.Đồng Hới lại rộn ràng tổ chức Tuần văn hóa -du lịch Đồng Hới với nhiều chương trình và lễ hội đặc sắc. Song chương trình các lễ hội dường như chỉ khép kín ở phạm vi thành phố mà thiếu sự liên kết với các địa phương trong tỉnh nói riêng và với các tỉnh khác nói chung. Điểm dễ nhận thấy nữa là sản phẩm Du lịch của thành phố chưa phong phú; dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là dành cho trẻ em chưa được đầu tư đúng mức… Đây chính là những lực cản đối với Du lịch Đồng Hới. Như vậy, rõ ràng không phải Đồng Hới không có tiềm năng, hay thiếu các điểm đến hấp dẫn mà chủ yếu là chúng ta chưa biết làm công tác truyền thông về thế mạnh, thứ tài sản quý mà chúng ta đang có trong nhà.

Vào cuối năm 2013, UBND TP.Đồng Hới đã mở một hội nghị chuyên đề về một số giải pháp phát triển DL bền vững nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 đón khoảng 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế từ 45-50 nghìn người và doanh thu đạt trên 150 tỷ đồng; đến năm 2020, đón khoảng 1,8-2 triệu lượt khách, trong đó có 80-100 nghìn lượt khách quốc tế và doanh thu đạt trên 200-250 tỷ đồng.

Theo đó, thành phố cũng đã đề ra 11 nhóm giải pháp cơ bản như: công tác quy hoạch; cơ chế chính sách; hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất; đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá DL; thị trường DL; xây dựng sản phẩm DL… nhằm để DL Đồng Hới phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đáng chú ý, thành phố đã xây dựng và hình thành hướng đi mới cho du lịch của địa phương thông qua việc đưa các loại hình DL sinh thái- nghỉ dưỡng; vui chơi- giải trí; văn hóa-lễ hội; mua sắm-ẩm thực; tham quan các di tích lịch sử cách mạng gắn với đặc điểm địa hình tự nhiên và truyền thống văn hóa đặc sắc của Đồng Hới.

Trước hết, xác định để xây dựng được thương hiệu Du lịch Đồng Hới, thành phố phải tạo ra được những sản phẩm du lịch mang tính văn hóa đặc trưng, có sức sống trường tồn bằng cách khai thác nội lực văn hóa truyền thống, ngoài 2 loại hình Du lịch chủ đạo là Du lịch biển và Du lịch sinh thái. Hiện nay, Đồng Hới có tiềm năng rất lớn từ hệ thống các di tích với hàng chục di tích được công nhận như: Quảng Bình Quan, bến đò và tượng đài mẹ Suốt, địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Quảng Bình, khảo cổ Bàu Tró, trận địa pháo binh Quang Phú, chiến khu Thuận Đức… Trong số các di tích này, đa số là di tích lịch sử và di tích khảo cổ vốn rất thích hợp để phát triển các tour DL tâm linh, DL văn hóa – về nguồn và mở ra tuyến tham quan các di tích lịch sử cách mạng trong nội thành.  

Song song, thành phố quy hoạch và đầu tư hạ tầng các điểm Du lịch khe Đá, khe Lồ Ô, hai bên sông Mỹ Cương, trung tâm vui chơi giải trí Bảo Ninh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành khu Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch sinh thái mới dọc theo các con sông, vừa có thể phát triển loại hình Du lịch mạo hiểm, khám phá vốn rất được yêu thích đối với du khách nước ngoài, du khách đến từ các đô thị lớn trong nước. Đồng Hới cũng có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các tour du lịch tham quan khám phá các làng nghề truyền thống đặc thù của địa phương như: chế biến thủy sản ở Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú, mộc mỹ nghệ ở Phú Hải, Đức Ninh…

Từ đó, khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại hình Du lịch dựa vào cộng đồng, Du lịch biển, làng nghề trên địa bàn Đồng Hới. Đặc biệt, việc thành phố chủ động phối hợp liên kết với các huyện trong tỉnh gồm: Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, cũng như các tỉnh, thành lân cận Quảng Nam, Huế… và xa hơn nữa là các nước bạn Lào, Thái Lan… để kết nối, khai thác các tuyến du lịch tham quan, vui chơi- giải trí và lễ hội sẽ trở thành đòn bẩy để mở rộng và phát triển thị trường Du lịch , góp phần đưa thương hiệu Du lịch Đồng Hới đi xa hơn.

N.L – Báo Quảng Bình

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour