Du lịch là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn


Theo đó, vượt qua những khó khăn, ngành Du lịch vẫn tiếp tục có bước phát triển. Tính đến tháng 8/2012, Du lịch Việt Nam thu hút trên 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2011; khách du lịch nội địa 7 tháng đầu năm ước đạt khoảng 20,5 triệu, tăng 6,6 % so với cùng kỳ, tổng thu du lịch đạt khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2011.

 

Cùng với sự tăng trưởng về khách và doanh thu, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành, nguồn nhân lực du lịch đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, cả nước đã có khoảng 13.000 cơ sở lưu trú với khoảng 265.000 buồng, tăng 19,2 % về số lượng cơ sở lưu trú và tăng 23% tổng số buồng so với năm 2009.

Tính đến tháng 6/2012, cả nước có 489 khách sạn được xếp hạng từ 3-5 sao với 51.083 buồng, trong đó có 52 khách sạn 5 sao, 137 khách sạn 4 sao, 300 khách sạn 3 sao; 1009 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và có khoảng 10 ngàn doanh nghiệp lữ hành nội địa; khoảng 11.000 hướng dẫn viên nội địa và quốc tế, gần 10 nghìn thuyết minh viên tại các điểm, cơ sở tham quan du lịch.

Trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại nhiều địa phương đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội và chiếm tỷ lệ cao trong GDP của địa phương. Qua thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, tạo ra các sản phẩm du lịch có sự hấp dẫn và mang tính đặc trưng như: Động Phong Nha, vịnh  Hạ Long, Sa Pa, Huế, Hội An, Mỹ Sơn…, Ngoài ra, cũng đã hình thành một số sản phẩm cao cấp tại Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng. Với sự tăng trưởng như vậy, Du lịch được coi là một điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn.
du lich quang binh
Trong 7 tháng đầu năm 2012, TCDL đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thành hồ sơ trình lãnh đạo Bộ và Thủ tướng phê duyệt ‘‘Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; hoàn thành Đề án: ‘‘Chương trình hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2012 – 2015, định hướng 2020”; triển khai, rà soát, bổ sung một số điều của Luật Du lịch, Nghị định 92/2007; trình phê duyệt 8 Đề án đẩy mạnh thu hút khách tại các thị trường trọng điểm: Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Úc; phối hợp tổ chức đón nhận sự kiện vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; tổ chức đón tiếp và làm việc với Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới; hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức các lớp tập huấn, xúc tiến, quảng bá. TCDL đã làm việc với 25 tỉnh, thành phố triển khai chiến lược phát triển du lịch, tạo sự liên kết để phát triển…

Nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2012 và năm 2013 của TCDL bao gồm: chú trọng phát triển thị trường khách trọng điểm; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về Du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, công tác quản lý điểm đến; đầu tư ngân sách cho công tác phát triển du lịch; tổ chức Hội chợ du lịch biển quốc tế Nha Trang 2013…

Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cũng đã phát biểu đề cập tới sự nỗ lực của toàn Ngành, nêu lên một số tồn tại, kiến nghị cần giải quyết, tháo gỡ như: Cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách về du lịch tại các địa phương còn thiếu và yếu, vấn đề đón khách quốc tế tại một số cửa khẩu còn nhiều bất cập; cần nghiên cứu và xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch mới để thu hút khách; công tác bảo vệ môi trường du lịch; quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch chưa triển khai triệt để dẫn tới tình trạng lừa đảo, chặt chém, chèo kéo, đeo bám du khách; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, vấn đề liên kết phát triển du lịch…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá và ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Du lịch trong thời gian qua, nổi bật là trong 7 tháng đầu năm 2012. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của TCDL trong công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, để giải quyết những tồn tại, bất cập và triển khai các nhiệm vụ đã đề ra, Bộ trưởng chỉ rõ: Vấn đề mấu chốt đó là nguồn nhân lực, do vậy TCDL cần quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý về Du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức, quản lý của TCDL, Sở VHTTDL các địa phương.

TCDL nên tập trung chỉ đạo, phân công các đơn vị chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình tại các địa phương; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, tạo nét riêng của từng địa phương, tăng cường phối hợp với ngành Hàng không, Tài nguyên và môi trường…; Đầu tư, khai thác khách ở thị trường trọng điểm như: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…; Bên cạnh đó, cập nhật, trao đổi thông tin, xúc tiến về ‘‘Bốn quốc gia một điểm đến”, gồm: Việt Nam- Lào – Campuchia – Myanmar. Cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, quản lý điểm đến, có giải pháp tháo gỡ những bất cập về việc đón khách quốc tế tại các cửa khẩu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thống kê du lịch nội địa, hợp tác và giao lưu quốc tế, để quảng bá và thu hút du khách đến Việt Nam…

 

 

Theo Baodulich.net.vn

 

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour