Cơ hội vàng cho du lịch Quảng Bình


Khép lại mùa du lịch năm nay, bức tranh du lịch Quảng Bình nổi lên nhiều gam màu tươi sáng. Có thể nói, hai năm qua lĩnh vực du lịch đã gặt hái được nhiều thành quả rất quan trọng. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lượng khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng đầu năm 2015 giảm 18% so với cùng kỳ, thì tỉnh ta đón hơn 42 ngàn lượt, tăng 17%.

Mộ Đại tướng https://www.quangbinhtravel.vn/khu-du-lich-vung-chua-dao-yen-168.html

Một điều dễ nhìn thấy là tiềm năng để phát triển du lịch ở tỉnh ta rất lớn. Xét về văn hóa vật thể ở khu vực miền Trung, tại thời điểm này Quảng Bình chưa thể bằng Quảng Nam với thánh địa Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An hay cũng chưa thể so với Huế bởi Huế là cố đô xưa của Việt Nam đang còn nguyên dạng…

Nhưng Quảng Bình lại được tạo hóa hào phóng ban tặng cho một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú là Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng với hệ thống hang động đẹp làm say đắm lòng người. Thời gian gần đây Quảng Bình đã làm sống lại những di tích lịch sử văn hóa gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, gắn với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và nhất là từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại Vũng Chùa đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Quảng Bình. Có thể nói chưa bao giờ du lịch Quảng Bình có được cơ hội lớn như hiện nay.

Đó là, “tiếng vang” của hang Sơn Đoòng và các hang động kỳ vỹ bậc nhất thế giới ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng ra thế giới. Thêm vào đó là môi trường du lịch an toàn, con người Quảng Bình chất phác thân thiện, cơ sở hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường sắt, đường hàng không hết sức thuận lợi. Đặc biệt, nhận thức về tầm quan trọng phát triển du lịch của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, để du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, còn rất nhiều việc phải làm. Việc đầu tiên là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch theo hướng bền vững, lâu dài. Lâu nay công tác quy hoạch chi tiết và quy hoạch tổng thể lĩnh vực du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Điều này dễ nhận thấy là sau khi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho chúng ta mời chuyên gia quốc tế lập quy hoạch cho khu vực vườn.

Theo như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lần đến thăm vườn thì dù có đắt tiền khi thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch nhưng là việc chúng ta nên làm, Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí. Cho đến nay hơn 9 năm trôi qua mới được thông qua quy hoạch do một đơn vị tư vấn trong nước lập, chất lượng bản quy hoạch này chưa thể khẳng định ngay được. Hoặc như việc quy hoạch 2 bên bờ sông Nhật Lệ (đoạn qua thành phố Đồng Hới) chúng ta có nhã ý mời kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, một chuyên gia hàng đầu của thế giới về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đến giúp đỡ. Tuy nhiên do suất đầu tư cho đồ án quy hoạch khá lớn nên không thực hiện được.

Một điểm yếu của hoạt động du lịch tỉnh ta là kết nối của tour tuyến du lịch lữ hành chưa tốt. Hoạt động lữ hành có thể hiểu một cách đại loại là quảng bá tìm khách và tổ chức cho du khách chuyến thăm “trọn gói” đến một hoặc nhiều điểm du lịch, tức là chủ động tìm khách để mời họ đến thăm. Trái với cách kinh doanh hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch trong tỉnh là thụ động chờ khách tìm tới.

Theo ông Vương Tấn Lộc, thành viên của Hiệp hội du lịch Quảng Bình, Giám đốc Công ty CP du lịch Sài Gòn – Quảng Bình thì nhìn vào hoạt động lữ hành của một tỉnh có thể đánh giá được mức độ phát triển của ngành du lịch tỉnh đó. Theo quan niệm này thì thực tế ngành du lịch Quảng Bình đang ở mức chưa phát triển, nói chính xác là đang ở dạng tiềm năng. Cả tỉnh có khoảng 300 đơn vị đăng ký hoạt động trong lĩnh vực du lịch- dịch vụ nhưng chủ yếu là kinh doanh phòng ngủ, nhà hàng.

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển của ngành du lịch, cơ sở lưu trú du lịch ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, đặc biệt là hệ thống các khách sạn tư nhân, bên cạnh đó là một số homestay và farmstay (chủ yếu tập trung tại khu vực Phong Nha).

Tính đến thời điểm này, Quảng Bình đã có 268 cơ sở lưu trú, trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 22 khách sạn 2 sao và 28 khách sạn 1 sao, với 3.970 buồng, 7.555 giường. Điều đáng buồn là rất ít cơ sở kết nối được tour tuyến với các đơn vị bên ngoài. Du lịch ở tỉnh ta nhiều năm nay hầu như làm một vụ ăn cả năm. Mùa du lịch thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm nên kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ cũng mang tính bấp bênh, mùa vụ là vì thế.

Trước đây cả tỉnh chỉ duy nhất Công ty CP du lịch Quảng Bình thành lập Trung tâm lữ hành tổ chức tour đến điểm du lịch trong nước hoặc các nước trong khu vực, sau đó có thêm 2 đơn vị lưu trú hạng sang trong tỉnh hoạt động theo hình thức lữ hành là Khu du lịch sinh thái Sun Spa resort và Công ty CP du lịch Sài Gòn-Quảng Bình.

Một thời gian việc liên kết giữa Sun Spa resort với khu du lịch cao cấp Furama (Đà Nẵng) khá mật thiết bởi giữa 2 doanh nghiệp đã ký với nhau mở các tour du lịch cho khách quốc tế và khách nội địa hạng sang theo chương trình du lịch “Con đường di sản thế giới tại miền Trung”, gắn kết với tour du lịch xuyên Á theo hành lang Đông-Tây qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), hoặc từ Đồng Hới qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến Thà Khẹc, Viên Chăn, Savanakhet.

Được biết Công ty CP du lịch Sài Gòn-Quảng Bình đã tổ chức được tuyến du lịch đưa khách từ các tỉnh phía Nam đến thăm lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh- người có công mở cõi phương nam và gần đây, Công ty du lịch thương mại Diệp Trân (Hà Nội) mở chi nhánh tại Quảng Bình đã tổ chức nhiều tour du lịch bằng đường bộ, trong đó có tour Đồng Hới- Hà Nội- Tuần Châu và ngược lại trong thời gian 4 ngày 4 đêm với giá khá “mềm”. Thời gian gần đây việc kết nối các tour tuyến du lịch được chú trọng hơn, một số doanh nghiệp đã kết nối được tour tuyến đưa du khách về với Quảng Bình, nhưng chất lượng gắn kết còn hời hợt, thiếu chiều sâu.

Một thế mạnh của du lịch Quảng Bình là du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh nhưng lâu nay chưa được quan tâm khai thác đúng mức. Sở dĩ trong 2 năm qua lượng khách du lịch đến tỉnh ta tăng cao, năm 2014 tăng đến 100% so với trước đó chủ yếu khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thăm quan hang động khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.

Có một điều dễ nhận thấy là du khách du lịch rất quan tâm đến các di tích lịch sử văn hóa gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như tìm hiểu quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Hầu như ở huyện, thành phố nào trong tỉnh cũng có di tích lịch sử, thắng cảnh đáng quan tâm: Suối nước nóng Bang với nhiệt độ ở các lỗ phun đến 1050C, núi Thần Đinh ở bên dòng Đại Giang, rồi khu mộ và nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ và đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, quê hương Mẹ Suốt anh hùng…

Ngược ra phía bắc có khu tưởng niệm 8 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong ở km16 đường 20, bãi Đá Nhảy, biển Vũng Chùa, đảo Yến, đèo Ngang, đền thờ Liễu Hạnh công chúa dưới chân đèo Ngang…Tất cả làm nên tiềm năng du lịch đa dạng hấp dẫn cho tỉnh ta.

Điều đáng quan tâm hiện nay là chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trên lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch. Một số cơ sở lưu trú khách sạn, nhà hàng còn để xảy ra tình trạng nâng giá phòng ngủ, suất ăn và các loại dịch vụ khác quá mức so với mặt bằng chung trong cả nước.

Ví dụ trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi, hầu hết các nhà nghỉ ở Đồng Hới đều nâng giá phòng lên gấp rưỡi ngày thường (giá phòng ngày thường từ 300-500 nghìn đồng/ngày, đêm; đã nâng lên từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng); các quán ăn sáng cũng đội giá mỗi bát bún lên từ 5-7 nghìn đồng so với ngày thường, thậm chí có nơi tăng giá gấp đôi. Tình trạng khan hiếm xe taxi trong mấy dịp lễ cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Khách du lịch hiện nay có xu hướng thiên về các dịch vụ chất lượng cao, các khách sạn, khu du lịch cao cấp phần lớn đều hết chỗ.

Dong Phong Nha, Phong Nha Cave

Hy vọng rằng trong thời gian tới, khi nền kinh tế thế giới và trong nước hồi phục sẽ là cơ hội vàng để cho du lịch Quảng Bình phát triển, vấn đề cốt lõi là chúng ta có nắm bắt được cơ hội đó hay không mà thôi.

Tr.T – Báo Quảng Bình

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour