Chùa Ngọa Cương di tích lịch sử cách mạng tại Quảng Bình


Chùa Ngọa Cương tọa lạc trên một ngọn đồi khá cao thuộc thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch. Chùa Ngọa Cương còn được gọi là Ngọa Linh tự, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, lúc đầu chỉ bằng tranh tre nứa lá đơn sơ. Đến năm 1860, chùa được nhân dân trong vùng góp công, góp của xây lại bằng gạch chắc chắn, vững chãi. Chùa là nơi để người dân trong vùng gửi gắm tâm linh, khát vọng về một cuộc sống no ấm, bình yên, tươi đẹp.

Chùa Ngọa Cương
Chùa Ngọa Cương

So với các ngôi chùa khác trong vùng, chùa Ngọa Cuơng tuy không lớn nhưng kiên cố với những bức tường được ghép rất dày, có chỗ dày hơn 1m. Mái chùa hình vòm, bên trong được khắc vẽ nhiều họa tiết độc đáo. Cổng chùa có 2 phần: cổng và lầu. Mái cổng uốn cong, xung quanh cổng và lầu được đắp nổi hình rồng, phụng vờn mây. Khuôn viên chùa khá rộng, có hàng rào bao quanh nhưng hiện nay nhiều đoạn đã bị gãy đổ.

Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch Quảng Bình

Chùa Ngọa Cương không chỉ là nơi thờ tự các đức phật mà còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu trong thời kỳ vận động thành lập Đảng và kháng chiến chống thực dân Pháp. Bên cạnh đó, chùa cũng gắn bó với hoạt động của Chi bộ Đảng Thanh Thủy- Ngọa Cương trong suốt thời gian dài. Từ ngôi chùa này, các đồng chỉ đảng viên đầu tiên trong phủ Quảng Trạch như Cao Vân Toàn, Nguyễn Văn Huyên, Lê An, Trần Diên…đã bí mật nhen nhóm phong trào cách mạng, từ đó phát triển lan rộng và lớn mạnh dần, hòa chung làn sóng cách mạng ở Quảng Bình, góp phần làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945.

Bên trong Chùa Ngọa Cương
Bên trong Chùa Ngọa Cương

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là địa bàn quan trọng nằm bên lòng máng sông Gianh, lại có đường 12A đi qua nên Cảnh Hóa trở thành một trong những mục tiêu bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Hơn nữa, địa bàn xã có nhiều nơi giấu hàng, giấu xe, giấu phà an toàn, bí mật, đây còn là nơi đặt trận địa pháo cao xạ 12ly7 của quân và dân huyện Quảng Trạch. Chùa Ngọa Cương trong thời gian này cũng đã được sử dụng làm nơi cất dấu vũ khí, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược.

Chính vì vậy, đế quốc Mỹ đã liên tục cho máy hay đến oanh tạc, cày xới suốt ngày đêm. Chùa Ngọa Cương đã bị hư hỏng nặng. Đảng bộ và nhân dân xã Cành Hóa quyết tâm bám làng vừa sản xuất vừa chiến đấu. Các lực lượng dân quân, du kích của xã đã chủ động xây dựng trận địa, phối hợp với trận địa các xã lân cận như Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa. bắn rơi 2 máy bay F4H của giặc Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Ngày 18/8/2004, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định số 2542 QĐ-UB công nhận Chùa Ngọa Cương là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đó đến nay chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền để nhân dân hiểu thêm về di tích, đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhau bảo vệ vốn di sản quý báu của quê hương. Với tinh thần xã hội hóa trong toàn dân, phát huy tinh thần truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa của quê hương, chính quyển và nhân dân xã Cảnh Hóa đã đầu tư xây dựng đoạn đường nối từ đường 12A vào đến di tích.

Di tích chùa Ngọa Cương
Di tích chùa Ngọa Cương

Từ ngoài đường 12A nhìn vào, lối lên chùa nổi bật với hai bên là hai con rồng lớn được xây bằng xi măng phủ sơn vàng. Các bậc tam cấp dẫn lên chùa được lát gạch vừa đẹp, vừa dễ đi. Hai bên cổng chùa Ngọa Cương cũng được trồng nhiều loại cây như sứ , bồ quân… Con đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách đến viếng chùa. Hy vọng một ngày không xa nữa, chùa Ngọa Cương sẽ được đầu tư chống xuống cấp đối với các hạng mục tiếp theo, để di tích lịch sử cách mạng chùa Ngọa Cương không chỉ được bảo vệ, phát huy giá trị, mà còn để cho người dân gần, xa có nơi gửi gắm tinh thần, ước vọng, tưởng nhớ đến các bậc tiên nhân đã dày công tạo dựng nên vốn di sản cho muôn đời sau.

Comments

Ghép tour Quảng Bình

Tìm tour